Khoa Hoằng pháp

Ban chủ nhiệm khoa

BAN CHỦ NHIỆM KHOA QUA CÁC THỜI KỲ

Ban chủ nhiệm khoa 2022-2027

Trưởng khoa: HT.TS. Thích Minh Thành

Phó khoa kiêm Thư ký khoa: NS. TS. Thích Nữ Huệ Liên

 

Ban chủ nhiệm khoa 2020-2022

Trưởng khoa: TT.TS. Thích Minh Thành

Phó khoa: NS. TS. Thích Nữ Huệ Liên

Ban chủ nhiệm khoa 2013-2019

Trưởng khoa: HT.TS. Thích Trí Quảng

Phó khoa: TT.TS. Thích Minh Nhẫn

Phó khoa: NS. TS. Thích Nữ Huệ Liên

Ban chủ nhiệm khoa 2009-2012

Trưởng khoa: HT.ThS. Thích Đạt Đạo

Phó khoa: TT.TS. Thích Minh Nhẫn

Phó khoa: NS. TS. Thích Nữ Huệ Liên

CÁC GIẢNG VIÊN TIÊU BIỂU

HT.TS. Thích Bửu Chánh

HT. Thích Viên Giác

TT.TS. Thích Nhật Từ

TT.TS. Thích Minh Thành

TT.TS. Thích Phước Đạt

TT.TS. Thích Minh Nhẫn

TT.TS. Thích Giác Hoàng

TT.TS. Thích Đồng Thành

NS. TS. Thích Nữ Huệ Liên

NS.TS. Thích Nữ Hằng Liên

NS.TS. Thích Nữ Hương Nhũ

GS. Võ Văn Nam

BS. Võ Khai Nghiệp

Giới thiệu khoa

Thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sanh là hoài bảo thiêng liêng của Tăng sĩ. Đáp ứng nhu cầu này, Khoa Hoằng Pháp được thành lập từ năm 2009 là khoa có nhiều tăng ni sinh theo học nhất đến nay. Đây là khoa có nhiều giảng viên giàu kinh nghiệm hoằng pháp trong và ngoài nước.

Khoa này giúp sinh viên nắm vững triết lý và hành trì Phật giáo trong các Kinh Trường Bộ, Kinh A Hàm, Kinh Lăng Già, Kinh Kim Cang, Luận Thắng Pháp Tập Yếu, Luận Câu Xá, Luận Đại Thừa Khởi Tín. Sinh viên còn được học các môn triết học chính trị xã hội Phật giáo, đạo đức học Phật giáo, Phật giáo và trị liệu, Thiền Tịnh Mật, Phật học ứng dụng, văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Mục tiêu đào tạo

Theo học khoa Hoằng Pháp, sinh viên sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm với quí giáo thọ sư giỏi về hai truyền thống Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền.

Sinh viên được hướng dẫn phương pháp và kỹ năng thuyết giảng, nghệ thuật nói chuyện trước công chúng để ứng dụng thuyết pháp, giảng kinh sau khi tốt nghiệp.

Sinh viên được đào tạo về tâm lý học giáo dục, sư phạm hoằng pháp, giao tiếp sư phạm và tư duy phản biện để trở thành giảng sư tri hành hiệp nhất.

Chương trình đào tạo Đại học
 

MÔ TẢ MÔN HỌC

DHR300 Sư phạm hoằng pháp giới thiệu phương pháp sư phạm trong hoằng pháp, giúp người học có kiến thức về những kỹ năng và phương pháp chia sẻ chân lý Phật. Môn này định hướng hoạt động truyền bá chân lý phải đạt đến trình độ nghệ thuật, dung hóa, quyền biến, mang lại ảnh hưởng tích cực ở người nghe.

DHR310 Thắng pháp tập yếu luận giới thiệu các khái niệm triết học Phật giáo Nguyên thủy gồm thân, tâm, tâm lý (tâm sở), đời này và đời sau, các thế giới và trạng thái tái sanh của con người. Môn này giúp sinh viên hiểu rõ thiện ác, làm chủ thân tâm, chuyển hoá bất thiện, thực tập thiền định, thực chứng niết-bàn.

DHR313 Phật giáo và trị liệu giới thiệu ứng dụng các nghiên cứu của khoa học về lợi ích của thiền Phật giáo trong y tế, giáo dục, kinh tế, kinh doanh, quốc phòng, thể thao, phạm pháp. Môn học này chứng minh thiền có khả năng chữa trị bệnh tật, giúp con người mạnh khỏe, thông minh, đẹp hơn, trường thọ và hạnh phúc hơn.

DHR320 Tông phái Phật giáo Việt Nam khảo cứu về bối cảnh ra đời, sự phát triển và đặc điểm các tông phái tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ I-XX. Các tông phái Đại thừa có Tịnh Độ tông, Thiền tông, Mật tông, Pháp Hoa tông. Các phái Nguyên thủy có Nam tông Kinh và Nam tông Khmer. Phật giáo mới có hệ phái Khất sĩ.

DHR332 Tâm lý học giáo dục giới thiệu về đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp nghiên cứu môn học, sự hình thành và phát triển nhân cách người học, động cơ học tập của người học, môi trường học tập hiệu quả và cơ sở tâm lý học của giáo dục đạo đức và giá trị. Môn học cung cấp cho người học hiểu biết về nhân cách nhà giáo dục trong trường học.

DHR401 Tâm lý học giáo dục thực hành cung cấp kiến thức và kỹ năng thực hành về giáo dục tâm lý, giúp sinh viên hình thành và phát triển các năng lực và phẩm chất của một nhà hoằng pháp bản lĩnh và hiệu quả, luôn cập nhật và nhiều sáng tạo trong tương lai.

DHR402 Giao tiếp sư phạm trang bị những tri thức và kỹ năng giao tiếp và ứng xử giữa người quản lý giáo dục với học sinh, đồng nghiệp, phụ huynh và xã hội trong các hoạt động quản lý giáo dục. Môn học trình bày hệ thống lý luận về các phương tiện, phong cách, kỹ năng giao tiếp, ứng xử đồng thời hướng dẫn giải quyết các tình huống trong quản lý giáo dục.

DHR403 Thực tập diễn giảng cung cấp cho sinh viên các kỹ năng giao tiếp để truyền đạt thông tin, kỹ năng thuyết phục quần chúng, kỹ năng thuyết trình và quản lý và hướng dẫn tổ chức buổi thuyết trình và các lễ hội Phật giáo.

DHR411 Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông cung cấp kiến thức về nguồn gốc và sự phát triển của lịch sử và tư tưởng Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông qua các thời kỳ. Môn này hướng dẫn phương pháp nghiên cứu văn bản học, từ nguyên học và sự đối chiếu so sánh các hệ tư tưởng của ba tông phái này với Phật giáo Nguyên thủy.

GEN111 Tư duy phản biện hướng dẫn sinh viên kỹ năng phân tích và đánh giá thông tin bằng phương pháp tiếp cận khác nhằm làm sáng tỏ hoặc khẳng định tính chính xác của sự kiện. Môn này giúp sinh viên sử dụng phương pháp quy nạp, diễn dịch và tổng hợp nhằm tăng cường tính logic trong lý luận tranh biện một cách khách quan và thuyết phục.

GEN132 Lịch sử tôn giáo thế giới giới thiệu cách tiếp cận các tôn giáo lớn trên thế giới. Sinh viên học về nền văn hóa làm tiền đề cho một tôn giáo xuất hiện, giai đoạn khởi phát của một tôn giáo mới, khung tín lý căn bản và những diễn tiến quan trọng liên quan đến giáo lý, tầm vóc và các thể thức hành trì đang được thực hiện, cũng như những nhận xét về hiện tình của tôn giáo đó trên thế giới.

PALI301 Tư tưởng Kinh Trường bộ môn học này giúp ta nắm bắt về nguyên nhân ra đời và bản chất dị biệt của các hệ tư tưởng triết học và tôn giáo, qua các đối thoại liên tôn giáo và liên triết học giữa Đức Phật và các tư tưởng gia tại Ấn Độ vào thế kỷ VI TTL. Tác phẩm phác họa vũ trụ quan, nhân sinh quan, xã hội quan, đạo đức quan và giải thoát quan Phật giáo, nhằm giúp tịnh hóa xã hội, làm lớn mạnh tính nhân bản và đạo đức của tự thân, hướng đến việc chứng đắc các Thánh quả theo Phật giáo Nguyên thủy. PHIL300 Tư tưởng Kinh A-hàm trang bị cho Tăng Ni sinh viên Khoa Hoằng pháp những kiến thức nền tảng nhất về Phật học. Trong đó bao gồm những vấn đề liên quan đến Đức Phật, giáo đoàn, quan điểm sống, mục đích lý tưởng, phương pháp tu tập, lộ trình tâm linh… tất cả những điều cần thiết cho một hành giả tịnh hóa thân tâm và sứ mệnh hoằng pháp độ sinh, một cách chính thống nhất.

PHIL325 Phật học ứng dụng hướng dẫn sinh viên nghiên cứu và áp dụng thích ứng các nguyên lý đạo đức hay quy chuẩn đạo đức mà Đức Phật đã dạy vào các vấn đề thực tiễn trong những lãnh vực cuộc sống như nghề nghiệp, kinh doanh, y học, sinh học, môi trường, công nghệ, chính trị, pháp lý và các vấn đề thực tiễn khác, bao gồm các mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội, cũng như trách nhiệm của mỗi người trong vai trò mà mình gánh vác. Phật học ứng dụng khẳng định tông chỉ nhập thế Phật giáo là phụng sự nhân loại và tính thích ứng của Phật pháp trong mọi thời đại.

PHIL330 Đạo đức học Phật giáo giới thiệu các khái niệm và nội hàm đạo đức trong Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa. Môn học này hướng dẫn sinh viên đánh giá hành vi đạo đức trong mối tương quan giữa động cơ và kết quả. Các phạm trù đạo đức, các loại hình đạo đức như đạo đức học giới luật, đạo đức học phẩm chất, đạo đức học bổn phận, đạo đức học nhân quả, đạo đức học giải thoát và đạo đức học ứng dụng được triển khai. Thông qua môn học này, người học có thể tìm ra giải pháp chấm dứt những tệ nạn của xã hội, tạo nên những phẩm đức cao thượng cho cá nhân, giúp xã hội được tốt đẹp và an lành hơn.

PHIL333 Triết học chính trị xã hội Phật giáo nghiên cứu thể chế chính trị, cấu trúc xã hội, sự phân tầng xã hội, các vấn nạn xã hội, nhằm giải quyết các vấn đề mà con người đối diện. Sinh viên có cơ hội nghiên cứu các khái niệm và học thuyết về bình đẳng, công bằng, dân chủ, tự do, pháp lý, kinh tế, phúc lợi, tệ nạn, bạo động, chiến tranh và hòa bình.

PHIL400 Luận Câu-xá đề cập đến bản thể học, vũ trụ quan, nhân sinh quan, đạo đức quan và tâm lý học Phật giáo. Môn này phân tích bản chất của các pháp trong vũ trụ, thể và dụng của các pháp, nhân quả thế gian, nhân quả giác ngộ, luận về nghiệp, tùy miên, phiền não, các loại thiền định, trí tuệ và cách phá chấp ngã.

PHIL401 Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa giúp sinh viên tìm hiểu bối cảnh văn hóa, chính trị xã hội, tôn giáo thời tiền Phật giáo và nguyên nhân đưa đến sự ra đời đạo Phật. Học môn này, sinh viên nắm vững triết lý trọng tâm của Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo bộ phái, Phật giáo Đại thừa, hệ thống vănđiển của Phậtgiáo và các tổ sư tiêu biểu như Nagarjuna, Maitreyanatha, Asanga, Vasubhandu.

PHIL403 Nghiên cứu Kinh Kim cang là cẩm nang phá chấp về ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả, hàng phục vọng tâm, bằng cách “đừng sanh vọng tâm trụ chấp một nơi nào”. Môn này chỉ dạy về sự thâm yếu trong việc phát triển trí kim cang, nhận rõ thể tánh chơn như tịch tịnh, xa lìa tướng phân biệt, hé mở cánh cửa giải thoát, đưa đến đạo quả bồ-đề vô thượng.

PHIL416 Luận Đại thừa khởi tín (大乘起信論, Mahāyāna Śraddhotpāda Śāstra) xác lập niềm tin tu tập Đại thừa bao gồm thuyết nhất tâm, thuyết nhị môn (tâm chân như môn, tâm sinh diệt môn), tam đại của tâm (thể đại, tướng đại, dụng đại), ly ngôn chân như, y ngôn chân như, tâm bất giác và tâm giác ngộ (gồm thuỷ giác và bản giác), phân biệt tâm, ý, thức để xa lìa vọng tâm, đạt được chánh trí. VNB431 Văn hóa Phật giáo Việt Nam khái quát sự hình thành và phát triển của văn hóa Phật giáo, văn hóa Việt Nam, văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Chương trình đào tạo Thạc sĩ
Chương trình đào tạo Tiến sĩ
Học tập và Nghiên Cứu
Cơ hội sau khi tốt nghiệp

Sau khi tốt nghiệp từ khoa Hoằng pháp, sinh viên có khả năng hoàn thành sứ mạng cao cả trong hành đạo và hoằng pháp, mang lại an lạc và hạnh phúc cho nhiều người.

Hoạt động sinh viên
Sách và Tài liệu