TT. Thích Nhật Từ chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi cho các thí sinh tham dự Kỳ thi Tuyển sinh Cử nhân Phật học Khóa XVII tại Học viện PGVN tại Tp. HCM

Chiều ngày 23/07/2022, tại Việt Nam Quốc Tự, gần 40 vị Tăng, Ni thí sinh của Kỳ thi Tuyển sinh Cử nhân Phật học Khóa XVII của Học viện PGVN tại Tp. HCM đã tập trung để theo xe di chuyển lên Học viện lưu trú, chuẩn bị cho buổi thi ngày mai.


Trước giờ lên xe, TT.TS. Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Tuyển sinh năm nay đã có buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi cho các sĩ tử trước ngày thi quan trọng sắp tới.

Thượng tọa cho biết do tác động của đại dịch Covid 19 trong hai năm qua làm ảnh hưởng đến thời gian đào tạo và tốt nghiệp chương trình Trung cấp Phật học trên cả nước. Vì vậy, số lượng Tăng, Ni thí sinh sau Trung cấp đăng ký tham dự thi tuyển chương trình Cử nhân Phật học Khóa XVII chỉ có 263 người, ít hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, Hội đồng Điều hành Học viện, dưới sự lãnh đạo của đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ GHPGVN, Viện trưởng, vẫn tạo điều kiện thuận lợi giúp cho nhiều thí sinh dù mới chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông, hoăc chỉ đang thọ nhận giới phẩm Sa-di, Sa-di ni vẫn được tham dự kỳ thi nếu như đạt đủ yêu cầu, điều kiện dự thi. Các thí sinh sẽ tiến hành thi hai phần thi bao gồm: môn Phật học trong 120 phút và môn Ngoại ngữ (Hán văn, Anh văn) trong 90 phút.

Để giúp cho kết quả bài thi thật tốt đẹp và thành công, TT. Thích Nhật Từ đã chia sẻ một vài kinh nghiệm làm bài thi cho các vị Tăng, Ni sinh trẻ. Thượng tọa cho biết chúng ta cần nắm rõ cấu trúc đề thi, số lượng câu hỏi, số điểm từng câu để có thể phân bổ thứ tự ưu tiên và thời gian làm bài sao cho hợp lý và khoa học. Câu nào mình nắm vững nội dung, biết cách trả lời chính xác, khả năng giải quyết "trong tầm tay" và số điểm cũng khá hoặc cao thì mình nên tập trung làm trước. Còn câu nào khó hoặc chưa chắc chắn lắm về đáp án thì mình sẽ dành thời gian để suy nghĩ sau và làm sau. Nếu đã thi xong mà thời gian vẫn còn dư, thì chúng ta không nên chủ quan, lơ là và ra về sớm. Mình hãy tận dụng thời gian còn trống để dò lại, đọc lại bài làm thật kỹ, nhằm tránh những sai lầm, thiếu sót không đáng có.

Đối với phần thi lý thuyết, các thí sinh cần đọc đề thật kỹ, tránh làm lạc đề và trình bày các nội dung lan man, dài dòng, không cần thiết, quá xa rời với trọng tâm của câu hỏi. Chúng ta cần định hình sẵn sườn bài, dàn bài, các luận điểm, luận cứ, lập luận trong đầu càng chi tiết càng tốt. Tiếp theo, ta trình bày các ý ra, tránh nêu sót các chi pháp; kèm theo đó là sự phân tích và nêu lên tính ứng dụng của từng ý một cách kỹ càng, rõ ràng và mạch lạc.

Một kỹ năng quan trọng không kém giúp cho các thí sinh giữ được sự bình tĩnh, lạc quan và thoải mái tâm lý trước khi thi chính là việc thực tập thiền. Áp dụng thiền chỉ vào việc theo dõi hơi thở để lắng lòng, tĩnh tâm là một phương pháp giải tỏa căng thẳng, buông bỏ áp lực, xóa mờ lo lắng, tạm biệt bất an vô cùng hữu hiệu. Từ đó, tâm lý, tinh thần, cảm xúc và thân thể của chúng ta đều được điều hòa, quân bình, tỉnh táo, giúp cho việc làm bài thi sẽ hiệu quả hơn và mang lại những kết quả khả quan hơn.
Cuối buổi chia sẻ, Thượng tọa cũng gửi lời chúc đến các Tăng, Ni thí sinh luôn luôn mạnh khỏe, an vui, bình tĩnh, tự tin để gặt hái được thật nhiều thành công trong suốt hai phần thi vào ngày mai.

Tin: Minh Lượng
Ảnh: Thanh Phong