Học viện PGVN tại Tp. HCM tổ chức bảo vệ luận văn Thạc sĩ Phật học Khoá III (Đợt 1 - năm 2022)
Trong đợt bảo vệ này, có đến 14 luận văn với các đề tài nghiên cứu vô cùng phong phú và thiết thực, mang tính học thuật và giá trị nghiên cứu cao đến từ hai khoa là Triết học Phật giáo và Lịch sử Phật giáo, diễn ra trong ba ngày, từ ngày 01-03/08/2022.Các Hội đồng Bảo vệ gồm có 01 Chủ tịch, 02 Ủy viên Nhận xét, 01 Ủy viên và 01 Thư ký. Chư Tôn đức trong Hội đồng Điều hành Học viện PGVN tại Tp. HCM, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; cùng quý Giảng viên hiện đang giảng dạy tại Học viện; các Phó Giáo sư, Tiến sĩ thuộc trường Đại học Sư phạm Tp. HCM, Đại học KHXH&NV Tp. HCM, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam sẽ được phân bổ làm việc với từng luận văn trong suốt ba ngày bảo vệ.
Trong ngày thứ hai diễn ra, có 5 luận văn được bảo vệ. Trong đó, gồm 4 luận văn thuộc khoa Lịch sử: Nghiên cứu giá trị tác phẩm "Hộ pháp luận" trong sự nghiệp hộ trì Phật pháp; Thiền Lâm Tế Chúc Thánh trên vùng đất Nam - Ngãi - Bình - Phú từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX; Vai trò của cư sĩ trong phong trào chấn hưng Phật giáo Trung kỳ (1932 - 1953); Quá trình hình thành và phát triển thiền phái Lâm Tế Liễu Quán trên vùng đất Phú Yên. Về khoa Triết học thì có một đề tài là: Phân tích hành trình nội tâm của Raxcolnicov trong tác phẩm "Tội ác và hình phạt" của Fyodor Dostoevsky từ góc độ Du-già hành tông.
Trước đó, trong ngày đầu tiên, có 2 luận văn của khoa Triết học đủ điều kiện được bảo vệ là: Phật giáo trong việc xây dựng đạo đức xã hội Việt Nam hiện nay; Tính thiết thực của Phật giáo trong kinh tạng Nikaya. Cùng với 3 luận văn thuộc khoa Lịch sử Phật giáo, bao gồm: Nghiên cứu văn hóa nhận thức và tổ chức cộng đồng Phật giáo Việt Nam thế kỷ X - XIV; Nghiên cứu tác phẩm "Hứa sử truyện vãn" của thiền sư Toàn Nhật - Quang Đài; Sự tương đồng và dị biệt giữa thiền phái Trúc Lâm đời Trần và thiền phái Trúc Lâm đương đại.
Trải qua hai ngày bảo vệ, chư Tôn đức trong Hội đồng Bảo vệ nhận định rằng chất lượng của các luận văn đợt này phần lớn là khá tốt, thậm chí vẫn có những đề tài được nghiên cứu vô cùng bài bản, khoa học qua các chủ đề nghiên cứu mới mẻ, sáng tạo, hấp dẫn. Đây là một tín hiệu đáng mừng phản ánh sự đầu tư giáo dục nghiêm túc và sâu sắc của quý chư Tôn đức trong Học viện PGVN tại Tp. HCM nói chung và Phòng Sau Đại học nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số luận văn còn chứa nhiều điểm hạn chế cũng được quý Tôn đức và Giảng viên trong Hội đồng Bảo vệ đóng góp ý kiến, gợi mở sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn như: đề tài cần bám sát vào nội dung nghiên cứu và phân tích thật kỹ càng, rõ ràng dưới lăng kính Phật giáo; tránh sa đà vào việc trình bày quá nhiều những thông tin dẫn nhập; văn phong và ngôn từ cần gãy gọn, trau chuốt, uyển chuyển và mang đậm tính khoa học, tính Phật học; nên sử dụng nguồn tư liệu tham khảo phong phú và chính thống, mức độ tin cậy cao;...
Vào ngày cuối cùng của các buổi bảo vệ, Hội đồng bảo vệ và các Học viên Thạc sĩ sẽ cùng nhau nghiên cứu, phân tích, nhận xét và đánh giá về 4 luận văn thuộc khoa Lịch sử Phật giáo, chính là: Nữ giới trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX; Tạp chí Đuốc Tuệ với phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ (1935 - 1945); Nghiên cứu công nghiệp hoằng pháp của thiền sư Minh Châu - Hương Hải; Lịch sử và giá trị văn hóa của Tổ đình Hội Tôn tỉnh Bến Tre.
Tin: Minh Lượng
Ảnh: Ngọc Đông