Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM: Bảo vệ luận văn Thạc sĩ online (đợt 2/2021)

Sáng ngày 14/10/2021, Học viện Phật giáo Việt Nam (HVPGVN) tại TP.HCM tổ chức bảo vệ luận văn Thạc sĩ đợt 2 năm 2021.

Đợt bảo vệ lần này được tổ chức trong 4 ngày, với 11 đề tài và diễn ra dưới hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom. Trước đó, đợt bảo vệ lần 1 đã được diễn ra trực tiếp trong 2 ngày (22 - 23/3/2021), tại cơ sở I của Học viện.

Buổi bảo vệ có sự tham dự của chư Tôn đức Hội đồng Điều hành Học viện; quý Thầy Cô đang giảng dạy, nghiên cứu chuyên sâu về Phật giáo; các Phó Giáo sư - Tiến sĩ thuộc trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học KHXH&NV TP.HCM;... cùng sự hiện diện của Tăng Ni học viên, nghiên cứu sinh hệ đào tạo Thạc sĩ khóa II tại Học viện.

Đợt này, có tổng 11 luận văn được trình bày:

  1. Đề tài “Lịch sử hình thành và phát triển chùa Long Quang tại Cần Thơ” - TN. Phước Đăng

  2. Đề tài “Tìm hiểu giá trị tư tưởng và nghệ thuật trong tác phẩm của thiền sư Minh Châu Hương Hải” - TN. Trí Tuyền

  3. Đề tài “Tìm hiểu tư tưởng và giá trị văn học trong văn thơ Chân Nguyên Tuệ Đăng” - TN. Khánh Liên

  4. Đề tài “Hòa thượng Bích Liên - Trí Hải với những đóng góp cho Phật giáo Việt Nam” - Thích Hữu Nhật

  5. Đề tài “Nghiên cứu vũ trụ quan theo luận câu xá” - Thích Thường Tịnh

  6. Đề tài “Nghiên cứu tư tưởng thiền trong tác phẩm ‘Tham đồ hiển quyết’ của thiền sư Viên Chiếu” - TN. Trung Ý

  7. Đề tài “Nghiên cứu tác phẩm ‘Thiền tông bản hạnh’ của thiền sư Chân Nguyên” - TN. Phước Bảo

  8. Đề tài “Tổ tiên Giác Hải Tịnh và những đóng góp cho đạo pháp nhân sinh” - Thích Tâm Giác

  9. Đề tài “Lịch sử và giá trị văn hóa chùa Bửu Hưng tỉnh Đồng Tháp” - TN. Huệ Liên

  10. Đề tài “So sánh đặc trưng của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và thiền phái Trúc Lâm tại Việt Nam” - Thích Minh Hiển

  11. Đề tài “Nghiên cứu tư tưởng thiền phái Trúc Lâm qua tác phẩm ‘Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh’” - TN. Diệu Tâm

Trong ngày đầu tiên bảo vệ luận văn Thạc sĩ (đợt 2/2021), các Hội đồng đi qua 03 đề tài gồm “Lịch sử hình thành và phát triển chùa Long Quang tại Cần Thơ”, “Tìm hiểu giá trị tư tưởng và nghệ thuật trong tác phẩm của thiền sư Minh Châu Hương Hải” và “Tìm hiểu tư tưởng và giá trị văn học trong văn thơ Chân Nguyên Tuệ Đăng”. Theo đó, bằng phương pháp lịch sử, logic,... quý học viên tập trung vào việc tìm hiểu đối tượng nghiên cứu để phát hiện các giá trị mà vật thể, phi vật thể đóng góp cho đời sống văn hóa, xã hội của con người trong thời đại đó. Sâu hơn nữa, các đề tài hướng đến việc bảo tồn và phát huy những giá trị mà Phật giáo đã đạt được tại Việt Nam nói chung cũng các địa phương trong nước nói riêng.

Vào 3 ngày tiếp theo, 08 đề tài còn lại cũng sẽ lần lượt được Tăng Ni học viên bảo vệ.

Với mỗi đề tài, chư Tôn đức Phòng Sau Đại học đều thành lập một hội đồng gồm 01 Chủ tịch, 02 Ủy viên Nhận xét, 01 Ủy viên và 01 Thư ký. Không giống như những lần trước, các đề tài trong đợt bảo vệ này được diễn ra tuyến tính, không tổ chức song song để chư Tôn đức, quý giảng viên tập trung đưa ra những nhận xét, góp ý sâu sắc cho mỗi một đề tài. Từ đó, nghiên cứu sinh sẽ điều chỉnh và phát triển đề tài nghiên cứu theo hướng tốt hơn vì có nhiều thông tin, khắc phục được điểm yếu. Bởi lẽ, thời gian giãn cách kéo dài đã tạo ra không ít khó khăn cho Tăng Ni học viên trong việc tìm kiếm tài liệu nghiên cứu.

Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM được cấp phép đào tạo Thạc sĩ từ năm 2012. Trải qua 2 đợt tuyển sinh, có hơn 300 học viên đang theo học. Trong đó, có gần 80 vị đã bảo vệ thành công luận văn và được cấp bằng Thạc sĩ.

Hiện tại, hệ đào tạo Thạc sĩ khóa II tại Học viện có 46 nghiên cứu sinh; trong đó, có 39 học viên đã trình đề cương luận văn.

 

Bảo Tiên