Khai mạc Hội thảo online “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước”

Sáng ngày 4/11/2021, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp cùng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM long trọng tổ chức Hội thảo “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981). Hội thảo kỷ niệm 40 năm được diễn ra dưới hình thức trực tuyến do tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

Hội thảo được đặt dưới sự chứng minh và chỉ đạo của Đại lão HT. Thích Trí Quảng - Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Đại lão HT. Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; HT. Thích Thiện Pháp - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tăng sự Trung ương GHPGVN; HT. Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự GHPGVN; HT. Thích Giác Toàn - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; HT. Thích Thiện Tâm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN;...

Về phía Ban Tôn giáo Chính phủ, có ông Nguyễn Phúc Nguyên - Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ.

Về phía đại diện các học giả, có PGS.TS. Chu Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, TS. Lê Hoàng Dũng - Hiệu phó Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM,...

Ngoài ra, quý Tôn đức Tăng Ni, học giả, nhà nghiên cứu, quý Phật tử gần xa cũng tham dự online hội thảo Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN.

Mở đầu buổi lễ, HT. Thích Thiện Nhơn tuyên đọc diễn văn khai mạc: “Trải qua 25 thế kỷ, kể từ khi Phật giáo có mặt, đã mang lại lợi ích thiết thực trong đời sống giác ngộ, giải thoát cho con người. Theo truyền thống đó, Phật giáo Việt Nam qua từng thời đại đều cùng hướng đến một sứ mệnh cao cả là xương minh Phật pháp, lợi ích tha nhân và cùng phát triển xã hội. Đến thời đại ngày nay, ngay khi thành lập GHPGVN vào năm 1981 trên cơ sở thống nhất 9 tổ chức Giáo hội, tổ chức Hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước, Phật giáo Việt Nam đã khẳng định sứ mệnh cao cả đó. Chính mục tiêu, lý tưởng của toàn thể Tăng Ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam được thể hiện trong Điều 6, Điều 7, Chương 2 của Hiến chương Giáo hội của GHPGVN là hoằng dương Phật pháp, phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nước và nước ngoài, tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc và góp phần xây dựng hòa bình, an lạc cho thế giới,...”. Song, Đại lão Hòa thượng cũng mong rằng những đóng góp từ các bài tham luận trong hội thảo này sẽ không chỉ là con chữ nằm im trên mặt giấy mà tạo tiền đề, nền tảng để phát triển Phật giáo hơn nữa trong thời kỳ cuối của 40 năm Giáo hội và sắp sửa mở ra thời kỳ mới, huy hoàng hơn.

Kết thúc phần diễn văn khai mạc, TT. Thích Đức Thiện tuyên đọc diễn văn chào mừng hội thảo: “Sự ra đời của GHPGVN năm 1981 là thành quả kết tinh ngàn năm Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc và là tất yếu trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam… Có thể nói, sự ra đời của GHPGVN chính là sự kế thừa Phật giáo Việt Nam từ thời đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông thành lập từ TK XIII. Chiến thắng lịch sử 30/4/1975, đất nước được thống nhất, Bắc Nam sum họp. Đây chính là nhân duyên thù thắng và cơ hội ngàn năm có một để Phật giáo Việt Nam tiến hành sự nghiệp thống nhất các hệ phái Phật giáo. Sau khi Phật giáo Việt Nam thống nhất, các đoàn chư Tăng Phật giáo miền Nam đã ra thăm miền Bắc. và chư Tăng miền Bắc cũng đã vào thăm miền Nam thân yêu. Đó chính là tiền đề để hình thành Ban Vận động thống nhất Phật giáo.”

Đại diện Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, HT. Thích Giác Toàn đánh giá cao sự kiện học thuật này vì đã thu hút được rất nhiều bài nghiên cứu về Phật giáo của giới học giả, Tăng Ni, Phật tử trên khắp cả nước. Trong buổi lễ, Hòa thượng phát biểu: “Cách đây 40 năm, ngày từ ngày đầu thành lập, GHPGVN đã gắn liền với vận mệnh dân tộc. Chiếc cầu nối giữa GHPGVN và dân tộc được minh định, xác lập chính sách đồng hành đạo pháp và dân tộc. Không chỉ là kết nối mà còn là mạch lạc, tư duy, trao đổi qua lại giữa 2 thực thể: Giáo hội và Dân tộc. Nhờ đó mà Phật giáo và dân tộc phát huy được tinh hoa ở mức cao nhất, đồng hành ở mức cao nhất và hộ quốc an dân ở mức cao nhất.”

Thay mặt ông Vũ Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, TT. Thích Minh Quang - Phó Văn phòng 1 GHPGVN chia sẻ về giá trị của Phật giáo trong lối sống bao đời của người Việt: “Về mặt lịch sử, Phật giáo đã du nhập và phát triển sớm nhất trong các tôn giáo ở Việt Nam. Ngay từ buổi đầu du nhập, Phật giáo đã được người Việt Nam tiếp nhận trong tâm thức văn hóa. Những giá trị nhân văn, nhân ái, tinh thần từ bi cứu khổ độ sinh, giáo lý Phật giáo du nhập trong tâm thức văn hóa và đạo đức bao đời của người Việt Nam. Văn hóa Phật giáo trở thành một bộ phận trang trọng, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.”

Cũng trong buổi lễ, với vai trò Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TT. Thích Nhật Từ nhận định: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi mọi phương diện cuộc sống bị tác động mạnh mẽ bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì sự dấn thân của Phật giáo trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam là yếu tố then chốt, góp phần giữ gìn các hệ giá trị truyền thống suốt 4000 năm lịch sử dựng nước và phát triển đất nước. Để tiếp tục trở thành tôn giáo đi đầu trong các ảnh hưởng tích cực đối với các phương diện cuộc sống của Việt Nam, từ vật chất đến tinh thần, từ truyền thống đến hiện đại, GHPGVN cần tiếp tục tiếp biến trong vận mệnh thịnh suy của dân tộc, một mặt bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, mặt khác, đề cao tinh thần nhập thế năng động hơn nữa, trong sứ mệnh hộ quốc, an dân, nhằm phục vụ đất nước và con người Việt Nam.”

Với tâm niệm phát triển giáo dục Phật học nước nhà, chủ yếu đào tạo cho tu sĩ trên cả hai phương diện tu và học, HT. Thích Trí Quảng kể về ước mơ thống nhất của Phật giáo nước nhà. Thật may mắn vì đến năm 1981, ước mơ ấy đã trở thành sự thật và đức Đệ nhất Pháp chủ được vinh hạnh tham dự đại lễ thống nhất năm đó. “HT. Thích Đức Nhuận đã nói rằng chúng ta tổ chức được đại hội thống nhất Phật giáo thì điều quan trọng nhất ở đây là chúng ta được quyền xin phép Chính phủ cho Tăng Ni xuất gia và mở trường Phật học để đào tạo Tăng tài. Vì nếu có chùa nhưng không có Tăng thì coi như không có, có Tăng mà Tăng thất học còn nguy hiểm hơn nữa.” - Trưởng lão Hòa thượng tha thiết vừa kể lại vừa nhắn nhủ. Đồng thời, Hòa thượng cũng tán dương công đức của Tăng Ni nghiên cứu sinh, học viên, quý học giả trên khắp cả nước đã đóng góp để hội thảo được thành tựu.

Được biết, hội thảo Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN đã nhận được hơn 250 bài tham luận, trong đó hơn 180 bài phù hợp với chủ đề chính và chủ đề phụ của hội thảo. Có 18 phiên làm việc, diễn ra từ 9h00 đến 17g00 cùng ngày, thuộc 06 tiểu ban: Các phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam TK XX; Giáo hội Phật giáo Việt Nam vai trò hộ quốc an dân, hội nhập và phát triển; Phật giáo và hoạt động an sinh xã hội; Văn hóa Phật giáo Việt Nam; Giáo dục Phật giáo Việt Nam; Giáo dục Đạo đức Phật giáo.

Cũng trong lễ Khai mạc, quý vị tham dự còn được lắng nghe về câu chuyện hào hùng Phật giáo phát triển cùng dân tộc qua bao đời bằng các bản nhạc Phật giáo do TT. Thích Nhật Từ sáng tác: Quê hương - Đạo pháp Việt Nam, Phật giáo Việt Nam vinh quang, Phật giáo Việt Nam rạng ngời.

Bảo Tiên