Vượt qua ám ảnh về cái chết cùng TT. Thích Nhật Từ

Tại Hạ trường Học viện Phật Giáo Việt Nam tại Tp.HCM (cơ sở II, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh), sáng ngày 10/07/2022, TT.TS. Thích Nhật Từ, Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện đã có buổi chia sẻ với hơn 1.200 Tăng, Ni sinh với đề tài: "Vượt qua ám ảnh về cái chết".

Thượng tọa cho biết có hai trường hợp gây ra nỗi ám ảnh về cái chết. Trường hợp đầu tiên đó là khi một người bất đắc dĩ hoặc vô tình chứng kiến một cái chết tàn nhẫn, ghê rợn, kinh hoàng đang diễn ra trước mắt mình mà mình hoàn toàn bất lực, vô vọng, không có khả năng để cứu giúp. Điều đó gây nên sự ám ảnh trong vài tháng, vài năm, thậm chí là suốt một kiếp người nếu như người đó không biết cách để thực tập buông xả. Có thể kể đến một số trường hợp bị ám ảnh về cái chết như chứng kiến cảnh người khác bị tử nạn vì chìm tàu, rơi máy bay, bị tai nạn giao thông, bị thú dữ xé xác,... mà người chứng kiến có thể là người đồng hành chung cùng nạn nhân, nhưng lại may mắn sống sót.


Trường hợp hai gây nên ám ảnh về cái chết chính là khi chúng ta chứng kiến được cảnh người thân của mình giã từ cuộc đời trên giường bệnh mà mình là người trực tiếp chăm sóc trong một thời gian dài. Dù mình đã luôn luôn nung nấu, nuôi dưỡng niềm hy vọng để mong muốn họ được kéo dài tuổi thọ, nhưng cuối cùng họ cũng vuột khỏi tầm với yêu thương của mình và không thoát ra khỏi bàn tay của tử thần.

Tiếp đó, Thượng tọa đã trích ra một vài lời dạy của đức Phật và các vị Tổ Sư từ các bài kinh và Abhidhamma (Vô Tỷ Pháp, Vi Diệu Pháp) mà cái chết là một quy luật phải xảy ra, không ai có thể trốn tránh được. Trong Kinh Tương Ưng có đoạn nói rằng: "Tất cả chúng sanh đều phải chết, mạng sống kết thúc bằng cái chết, chết là một điều không thể tránh khỏi". Chúng sanh gồm hai loại là có tình thức (con người và các loài động vật) và không có tình thức (cây cỏ, núi, đá, sông, hồ,...). Chết theo nghĩa đen chính là sự kết thúc của một kiếp sống ở chúng sanh có tình thức. Còn nếu như nghĩ theo nghĩa bóng, thì cái chết là sự kết thúc của một tiến trình và có thể áp dụng ra thêm cho các chúng sanh không có tình thức.

Trong kinh tạng Pali, đức Phật còn dùng rất nhiều từ đồng nghĩa để nói về cái chết như sự từ trần, tử vong, thân thể tan ra, cơ thể hoại diệt, tạ thế, chấm dứt mạng sống, kết thúc thọ mạng,... Chẳng hạn như trong Kinh Đại Niệm Xứ, thuộc Trường Bộ Kinh, đức Phật dạy rằng: "Này các Tỷ-kheo, trong mỗi giới hạn chúng sanh, trong từng chủng loại đều có sự tạ thế, sự từ trần, sự thân hoại, sự diệt vong, sự chết, sự tử vong, thời đã đến các uẩn đã diệt tận, sự vứt bỏ tử thi. Này các Tỷ-kheo, đó gọi là cái chết". Hoặc trong Kinh Trung Bộ và Kinh Tương Ưng còn có đoạn nêu rằng: "Chết là sự biến mất, là sự hoại diệt của thân năm uẩn, sự hoại diệt của các giác quan, sự tan ra và sự chấm dứt mạng sống".

Trong Vi Diệu Pháp có đề cập về bốn loại hình cái chết. Thứ nhất là chết do tuổi thọ kết thúc (chết nhẹ nhàng hay chết bán thân bất toại, chết trong tình trạng đời sống thực vật). Sự tổng hợp của nghiệp trong quá khứ và đời sống hiện tại sẽ quyết định thọ mạng dài hay ngắn. Thứ hai, chết do hết nghiệp, trong ngữ cảnh này thì nghiệp có bốn loại là: nghiệp tái tạo, nghiệp trợ duyên, nghiệp cản trở, nghiệp tiêu diệt. Hình thái chết này thường là do một bộ phận hay nhiều bộ phận lục phủ ngũ tạng của chúng ta bị tổn thương, bị hư hoại mà không có cơ hội để được chữa lành, phục hồi hoặc cấy ghép. Thứ ba, chết do nghiệp và thọ mạng cùng kết thúc, chẳng hạn như nhiều người đang yên lành, khỏe mạnh, bỗng dưng vài giờ, vài ngày sau lại ra đi về nơi xa vắng. Cuối cùng đó là chết do sự can thiệp của nghiệp hủy diệt, đây là cái chết bất ngờ, chết bất đắc kỳ tử, hoạnh tử như bị tai nạn giao thông, bị ám sát, bị uống nhầm thuốc, bị hỏa hoạn, bị chết đuối,...

Ở phần cuối của bài pháp thoại, TT. Thích Nhật Từ cũng đã chia sẻ một số phương pháp để giúp chúng ta vượt qua nỗi ám ảnh, khổ đau, dằn vặt lương tâm, đắm chìm trong cảm xúc tiêu cực từ sự mát mát người thân hay chứng kiến những cái chết ghê rợn, kinh hoàng. Đầu tiên, đó là áp dụng lời Phật dạy trong việc thường xuyên quán niệm về cái chết và 9 giai đoạn của tử thi. Điều này sẽ giúp chúng ta nhận thức được rằng cái chết là điều không ai tránh khỏi, nó là quy luật của cuộc đời, là sự vô thường không nên sợ hãi, lo lắng, bất an. Luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng tâm lý bình thản, buông xả để đối diện với cái chết, thì dù cho mình hay bất kỳ ai sắp ra đi cũng không hề bị cái chết gây ra sự khổ đau. Điều hai, bên cạnh đó, kết hợp với sự nhẩm trong đầu mỗi ngày, hay trong tâm lý học hiện đại gọi là "tự kỷ ám thị" rằng: "Tôi và tất cả chúng sanh rồi cũng sẽ đến lúc chết. Cái chết là điều tất yếu. Hãy chuẩn bị đón nhận nó một cách nhẹ nhàng và thanh thản!". Nhờ sự rèn luyện và nhắc nhở tâm trí như thế, chúng ta sẽ có bản lĩnh hơn khi đối mặt với phút giây tử biệt.

Khi bị mất người thân, mỗi chúng ta cần xả bỏ ý niệm chiếm hữu, không cố chấp cho rằng người thân đó là thuộc quyền sở hữu của mình nên mình không cho phép họ biến mất, để rồi để lại sự trống vắng, tiếc thương và khổ tâm cho mình. Chúng ta phải cởi trói tâm lý, cảm xúc tiêu cực, chuyển hóa đau khổ từ sự luyến ái, tham sân khi người thân ra đi bằng việc nuôi dưỡng tâm từ bi, vị tha, bao dung giúp đỡ những hoàn cảnh bất hạnh, yếu thế trong cuộc sống như trẻ em mồ côi, người già neo đơn, người tàn tật, bệnh nhân ung thư,... Đây là liệu pháp giải tỏa sự chấp niệm không tốt vô cùng hữu hiệu. Ngoài ra, cùng với các thiện pháp như cúng dường Trai Tăng, hùn phước xây chùa, quyên góp đúc chuông,... nó còn là hình thức tu tạo công đức, phước báu cho chính mình và hồi hướng đến người quá cố nhằm giúp họ có được hành trang thiện lành trên bước đường tái sanh ở kiếp sống kế tiếp.

Tin: Minh Lượng
Ảnh: Ngộ Trí Thông