1.1. Cao đẳng Phật học do Học viện đào tạo
- Năm thành lập: 2019.
- Thời gian tuyển sinh: Hằng năm.
- Lợi ích: Khi trúng tuyển, sinh viên được học tu nội trú tại Cơ sở Lê Minh Xuân.
1.2. Cao đẳng Phật học liên thông
1.2.1. Trường Cao đẳng Phật học BRVT
- Thời điểm liên thông: Từ năm 2017.
- Thời gian tuyển sinh: 2 năm/ lần.
- Địa chỉ: Chùa Đại Tòng Lâm
QL51, Thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, BRVT
ĐT: 0937 955 232
Website: https://daitonglam.com/
Email: phatgiaobariavungtau@gmail.com
1.2.2. Trường Cao đẳng Phật học Tiền Giang
- Thời điểm liên thông: Từ năm 2017.
- Thời gian tuyển sinh: Hằng năm.
- Địa chỉ: Chùa Vĩnh Tràng
Nguyễn Trung Trực, Phường 8, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang. ĐT: 0273 3873 427
1.2.3. Trường Cao đẳng Phật học Cần Thơ
- Thời điểm liên thông: Từ năm 2018.
- Thời gian tuyển sinh: 2 năm/ lần.
- Địa chỉ: Chùa Long Quang
155/6, khu vực Bình Chánh, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ. ĐT: 0913 772 025
1.3. Lợi ích của chương trình đào tạo liên thông
- Nội trú: Sinh viên được tu học nội trú tại Trường liên thông.
- Học phí: Hoàn toàn miễn phí.
- Cơ hội học tiếp cử nhân tại Học viện (xem 1.6).
1.4. Tuyển sinh, thi cử và giảng viên
- Trường đào tạo liên thông sẽ thông báo tuyển sinh, phối hợp với Văn phòng HVPGVN tại TP.HCM tổ chức thi tuyển sinh và thi các học kỳ.
- Giảng viên tại các Trường đào tạo liên thông gồm giảng viên của Học viện giới thiệu và giảng viên tại địa phương đề xuất.
1.5. Cấp văn bằng và dự lễ tốt nghiệp
- Số tín chỉ phải hoàn tất: Tối thiểu 84 TC.
- Sinh viên dự lễ tốt nghiệp tại: (i) Trường đào tạo liên thông, (ii) HVPGVN tại TP.HCM.
1.6. Cơ hội học tiếp cử nhân
(i) Đăng ký học cử nhân: Muốn học tiếp chương trình cử nhân tại Học viện, sinh viên cao đẳng Phật học phải làm thủ tục theo quy định.
(ii) Thời gian học: 2-3 năm.
(iii) Số tín chỉ Bắt buộc bổ sung: Để được cấp phát bằng cử nhân của Học viện, sinh viên cao đẳng phải học bổ sung các tín chỉ chuyên ngành để hoàn tất tổng số tín chỉ tối thiểu theo quy định của từng khoa như sau.
- Tối thiểu 129 TC: Nếu chọn các khoa: (i) Triết học Phật giáo, (ii) Pali, (iii) Lịch sử Phật giáo, (iv) Phật giáo Việt Nam, (v) Hoằng pháp, (vi) Luật học Phật giáo, (vii) Công tác xã hội.
- Tối thiểu 132 TC: Nếu chọn chuyên ngành là các khoa: Khoa Phật học Sanskrit và Khoa Anh văn Phật pháp.
- Tối thiểu 133 TC: Khoa Trung văn.
- Tối thiểu 142 TC: Khoa giáo dục mầm non.
2.1. Cấu tạo chương trình và số tín chỉ
NỘI DUNG ĐÀO TẠO |
TC |
|
1 |
Khối kiến thức tổng quát |
33 |
2 |
Khối kiến thức cơ sở Phật học |
27 |
3 |
Khối kiến thức cổ ngữ Phật học: □ Sanskrit □ Pali □ Hán cổ |
12 |
4 |
Khối kiến thức ngoại ngữ: Anh văn Phật pháp hoặc Trung văn Phật pháp |
12 |
Tổng cộng tín chỉ |
84 |
1. Kiến thức đại cương: | 33 TC | |
1.1. Khả năng thực dụng: | 15 TC | |
Bắt buộc | ||
GEN102 | Phương pháp nghiên cứu | 3 |
GEN101 | Tiếng Việt thực hành | 3 |
LAW134 | Đại cương pháp luật Việt Nam | 3 |
*GEN160 | Thực hành văn bản tiếng Việt | 3 |
Chọn 1/4 môn | ||
GEN111 | Tư duy phản biện | 3 |
GEN112 | Thuật diễn thuyết và xướng ngôn | 3 |
VNB113 | Tổng quan nghi lễ Phật giáo | 3 |
GEN114 | Dẫn nhập phương pháp sư phạm | 3 |
1.2. Lịch sử, triết học và tôn giáo: | 12 TC | |
Bắt buộc | ||
VNB107 | Lịch sử Việt Nam | 3 |
PHIL101 | Dẫn nhập triết học Ấn Độ | 3 |
Chọn 1/3 môn | ||
PHIL104 | Dẫn nhập triết học phương Tây | 3 |
PHIL110 | Dẫn nhập triết học Trung Quốc | 3 |
PHIL131 | Triết học Mác - Lênin | 3 |
Chọn 1/7 môn | ||
GEN122 | Lịch sử văn minh phương Tây | 3 |
VNB121 | Lịch sử văn học Việt Nam | 3 |
VNB135 | Cơ sở văn hóa Việt Nam | 3 |
GEN132 | Lịch sử tôn giáo thế giới | 3 |
GEN153 | Dẫn nhập tôn giáo học | 3 |
GEN154 | Tôn giáo và văn hóa | 3 |
GEN133 | Tín ngưỡng và tôn giáo Việt Nam | 3 |
1.3. Nhân văn và khoa học tự nhiên: | 6 TC | |
Chọn 1/8 môn | ||
GEN140 | Đại cương nhân chủng học | 3 |
GEN141 | Đại cương tâm lý học | 3 |
GEN142 | Đại cương xã hội học | 3 |
GEN143 | Đại cương kinh tế học | 3 |
GEN144 | Đại cương chính trị học | 3 |
GEN145 | Đại cương giáo dục học | 3 |
GEN146 | Đại cương ngôn ngữ học | 3 |
GEN148 | Đại cương vật lý học | 3 |
Chọn 1/2 môn | ||
GEN147 | Quản trị hành chánh và tự viện học | 3 |
GEN150 | Tổng quan về y học cổ truyền | 3 |
2. Kiến thức cơ sở Phật học: | 27 TC | |
Bắt buộc | ||
LAW104 | Đại cương luật học Phật giáo | 3 |
PHIL111 | Đại cương thiền học | 3 |
PHIL112 | Khái luận Phật học | 3 |
HIST108 | Lịch sử Phật giáo Ấn Độ | 3 |
VNB109 | Lịch sử Phật giáo Việt Nam | 3 |
Chọn 1/2 môn | ||
PHIL401 | Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa | 3 |
PHIL108 | Dẫn nhập triết học Phật giáo | 3 |
Chọn 1/3 môn | ||
PHIL103 | Kinh Trường A-hàm | 3 |
PALI303 | Kinh Trung bộ | 3 |
PHIL412 | Tư tưởng Kinh Pháp Hoa | 3 |
Chọn 1/4 môn | ||
SANS162 | Văn học Sanskrit Phật giáo | 3 |
PALI304 | Văn học Pāḷi | 3 |
CHIN160 | Văn học Hán tạng | 3 |
VNB302 | Văn học Phật giáo Việt Nam | 3 |
Chọn 1/3 môn | ||
CHIN301 | Lịch sử Phật giáo Trung Quốc | 3 |
HIST171 | Mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo | 3 |
DHR320 | Tông phái Phật giáo Việt Nam | 3 |
3. Cổ ngữ Phật học: Chọn 1/3 môn | 12 TC | |
3.1. Hán cổ: | 12 TC | |
CHIN101 | Hán cổ 1 | 2 |
CHIN102 | Hán cổ 2 | 2 |
CHIN103 | Hán cổ 3 | 2 |
CHIN104 | Hán cổ 4 | 2 |
CHIN105 | Hán cổ 5 | 2 |
CHIN106 | Hán cổ 6 | 2 |
3.2. Pāḷi: | 12 TC | |
PALI101 | Cổ ngữ Pāḷi 1 | 2 |
PALI102 | Cổ ngữ Pāḷi 2 | 2 |
PALI103 | Cổ ngữ Pāḷi 3 | 2 |
PALI104 | Cổ ngữ Pāḷi 4 | 2 |
PALI105 | Cổ ngữ Pāḷi 5 | 2 |
PALI106 | Cổ ngữ Pāḷi 6 | 2 |
3.3. Sanskrit: | 12 TC | |
SANS101 | Cổ ngữ Sanskrit 1 | 2 |
SANS102 | Cổ ngữ Sanskrit 2 | 2 |
SANS103 | Cổ ngữ Sanskrit 3 | 2 |
SANS104 | Cổ ngữ Sanskrit 4 | 2 |
SANS105 | Cổ ngữ Sanskrit 5 | 2 |
SANS106 | Cổ ngữ Sanskrit 6 | 2 |
4. Ngoại ngữ: Chọn 1/2 môn | 12 TC | |
4.1. Tiếng Anh: | 12 TC | |
ENG111 | Anh văn Phật pháp 1 | 2 |
ENG112 | Anh văn Phật pháp 2 | 2 |
ENG113 | Anh văn Phật pháp 3 | 2 |
ENG114 | Anh văn Phật pháp 4 | 2 |
ENG115 | Anh văn Phật pháp 5 | 2 |
ENG116 | Anh văn Phật pháp 6 | 2 |
4.2. Tiếng Trung: | 12 TC | |
CHIN111 | Trung văn Phật pháp 1 | 2 |
CHIN112 | Trung văn Phật pháp 2 | 2 |
CHIN113 | Trung văn Phật pháp 3 | 2 |
CHIN114 | Trung văn Phật pháp 4 | 2 |
CHIN115 | Trung văn Phật pháp 5 | 2 |
CHIN116 | Trung văn Phật pháp 6 | 2 |
Tổng Tín chỉ | 84 |
CHIN101 – CHIN106 Hán cổ là một môn cổ ngữ được giảng dạy trong các Trường Phật học cùng với các môn học nội điển và ngoại điển. Rất nhiều tác phẩm xưa của Việt Nam đều là văn bản tiếng Hán, như Khoá Hư lục, Thiền Uyển Tập Anh... Rất nhiều Kinh Luật Luận Phật giáo bằng tiếng Hán chưa phiên dịch ra tiếng Việt. Điều quan trọng khác nữa là muốn nghiên cứu những đề tài có liên quan đến kinh điển Hán tạng, tư tưởng, văn học, nghệ thuật, văn hoá... Trung Quốc, nếu không có số vốn Hán cổ nhất định thì không thể chuyên sâu vào đề tài nghiên cứu này được. Đề tài giảng dạy Hán cổ được tuyển chọn những tư liệu chữ Hán mang nội dung tư tưởng: văn hoá, triết học, nhân văn, ứng nhân xử thế của Nho giáo, Đạo giáo và tư tưởng thoát tục cứu nhân độ thế của Phật giáo. Ngoài ra, còn cho sinh viên nghiên cứu những tài liệu chữ Hán mang tính khảo cổ học, văn bia ký, chế, chiếu biểu, v.v…
CHIN111 - CHIN116 Trung văn Phật pháp môn tiếng Hoa được dạy trong môi trường Phật giáo cho nên ngoài các môn Nói Nghe Đọc Viết bằng tiếng Hoa, sinh viên còn được giảng dạy Phật pháp bằng Hoa ngữ. Môn học này giúp sinh viên dùng ngôn ngữ Phật pháp rèn luyện kỹ năng nói, diễn đạt nội dung bài học Phật pháp bằng ngôn ngữ tiếng Hoa. Từ những giáo lý Phật pháp cơ bản như Phật, Pháp, Tăng, cho đến những câu chuyện bổn sanh của Đức Phật, lịch sử Đức Phật, lịch sử truyền bá Phật pháp, Vua A Dục, Hàn Vũ đế, Lịch sử dịch kinh và cầu pháp ở Trung Quốc, Phật giáo Trung Quốc... đồng thời chọn 1 số kinh điển ngắn như kinh Bách Dụ, dùng văn hiện đại để giải thích các từ Hán cổ. Với vốn từ vựng về Phật pháp, sinh viên có thể trình bày 1 số giáo lý đơn giản như nhân quả thiện ác, những lời dạy của Đức Phật thông qua các câu chuyện đạo lý trong kinh. Nâng cao vốn từ vựng về Phật pháp, chuẩn bị cho các môn học về kinh, luật, luận, sử, văn học... sẽ được giảng bằng tiếng Hoa trong năm 3.
CHIN160 Văn học Hán tạng giúp sinh viên nắm khái quát về văn học Phật giáo bộ phái và Đại thừa được dịch ra chữ Hán gồm kinh, luật, luận; các bản sớ giải gồm kinh sớ, luật sớ, luận sớ; giáo nghĩa các tông phái Phật giáo Trung Quốc; các tác phẩm nghiên cứu Phật học bằng chữ Hán qua các thời kỳ. Văn học Hán tạng cũng là nguồn văn liệu đặc biệt quan trọng của Phật giáo, bao gồm văn thể, văn tự, kết tinh những giá trị tinh thần, đạo đức trí tuệ. Từ những thể tài của văn học như văn xuôi, thơ ca, kệ tụng, ngụ ngôn, ẩn ngôn, ẩn dụ tìm hiểu nội dung tư tưởng một số tác phẩm kinh luật luận của Phật giáo.
GEN132 Lịch sử tôn giáo thế giới giới thiệu cách tiếp cận các tôn giáo lớn trên thế giới. Sinh viên học về nền văn hóa làm tiền đề cho một tôn giáo xuất hiện, giai đoạn khởi phát của một tôn giáo mới, khung tín lý căn bản và những diễn tiến quan trọng liên quan đến giáo lý, tầm vóc và các thể thức hành trì đang được thực hiện, cũng như những nhận xét về hiện tình của tôn giáo đó trên thế giới.
DHR320 Tông phái Phật giáo Việt Nam khảo cứu về bối cảnh ra đời, sự phát triển và đặc điểm các tông phái tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ I-XX. Các tông phái Đại thừa có Tịnh độ tông, Thiền tông, Mật tông, Pháp Hoa tông. Các phái Nguyên thủy có Nam tông Kinh và Nam tông Khmer. Các phái Phật giáo mới có hệ phái Khất sĩ, Phật giáo Hòa Hảo… Học môn này, sinh viên hiểu được chủ trương Phật giáo đồng hành với dân tộc trong lịch sử 2000 năm.
ENG101- ENG106 Pāḷi grammar 1-6 (Cổ ngữ Pāḷi 1-6) Pāḷi là một cổ ngữ gốc và rất cần thiết cho việc nghiên cứu Phật giáo. Môn Pāḷi grammar (1-6) giúp cho sinh viên có những kiến thức căn bản cũng như kỹ năng để hiểu và phân tích từ vựng, cấu trúc câu trong Pāḷi. Cung cấp văn phạm Pāḷi từ căn bản đến nâng cao, từ cấu trúc từ, cụm từ, câu cho đến các đoạn văn Pāḷi được trích ra từ kinh điển gốc hệ Nikaya. Đây là những kiến thức cần thiết cho Tăng Ni sinh trong việc học Phật cũng như nghiên cứu. Các bài giảng được cung cấp song ngữ Anh- Việt để Tăng Ni sinh làm quen với các thuật ngữ Anh văn Phật pháp.
ENG111 Anh văn Phật pháp 1: Môn học này có 2 phần: Kỹ nằng giao tiếp (nghe và nói) tiếng Anh trong chốn thiền môn và kỹ năng đọc hiểu thuật ngữ Anh văn Phật pháp. Đối với phần đàm thoại liên quan đến thiền môn, học phần này cung cấp giúp Tăng Ni sinh học kỹ năng giới thiệu bản thân, chào hỏi, xin phép theo quy cũ thiền môn bằng tiếng Anh. Đối với kiến thức Phật học, Tăng Ni sinh sẽ được học các thuật ngữ tiếng Anh Phật pháp, lịch sử Đức Phật Thích Ca từ sơ sinh đến đến lúc trưởng thành thông qua các tác phẩm được viết bằng Tiếng Anh.Tăng Ni sinh bắt đầu hiểu rõ và tích lũy thuật ngữ tiếng Anh Phật pháp căn bản nhất như Buddha, Dharma, Sangha, Buddhist, Buddhism, Monk, Nun….
ENG112 Anh văn Phật pháp 2: Học phần này tiếp tục giúp tăng Ni sinh nâng cao kỹ nằng giao tiếp tiếng Anh trong chốn thiền môn và kiến thức về thuật ngữ Anh văn Phật pháp. Đối với phần đàm thoại liên quan đến thiền môn, học phần này cung cấp giúp Tăng Ni sinh thực hiện cuộc đàm thoại đơn giản bằng Tiếng Anh về chùa, Tam Bảo, trường lớp, thời gian biểu, các môn học. Đối với kiến thức Anh văn Phật pháp, tăng Ni sinh tiếp tục làm quen và tích lũy các thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành qua bài lịch sử Đức Phật Thích Ca từ xuất gia, thành đạo đến thuyết pháp hay trích đoạn “Lời thỉnh cầu Đức Phật thuyết pháp của Phạm Thiên” (The Brahma’s appeal to the Buddha) trong Kinh Thánh Cầu phiên bản tiếng Anh.
ENG113 Anh văn Phật pháp 3: Học phần này tiếp tục giúp tăng Ni sinh nâng cao kỹ nằng giao tiếp bằng tiếng Anh trong chốn thiền môn với các chủ đề liên quan đến giới thiệu thành viên trong gia đình, sư huynh, sư đệ, công việc hay khóa tu mùa hè, khóa tu thiền, thời khóa của các khóa tu. Song song với việc phát triển kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, Tăng Ni sinh tiếp tục được học và tích lũy tiếng Anh Phật pháp cũng như giáo lý căn bản qua bài Kinh Lữa Thiêu Đốt (The discourse on fire) phiên bản tiếng Anh, các bài đọc hiểu bằng tiếng Anh về cuộc đời 3 anh Em Ngài Ca Diếp (Kassapa) hay ngài Vô Não (Angulimala).
ENG114 Anh văn Phật pháp 4: Môn học này giúp tăng Ni sinh nâng cao kỹ nằng giao tiếp bằng tiếng Anh, với các chủ đề liên quan đến pháp môn tu trong khóa tu, tịnh độ hay thiền quán, mật tông, các luật lệ của khóa tu.Tăng Ni sinh tiếp tục được học và tích lũy tiếng Anh Phật pháp cũng như giáo lý căn bản qua bài Kinh Nông Gia (Kasi Bharadvaja Sutta) phiên bản tiếng Anh, các bài đọc hiểu bằng tiếng Anh về lịch sử thành lập Ni Đoàn, lịch sử Đức Phật Thích Ca từ lúc chuyển pháp luân đến thị tịch Niết-bàn.
ENG115 Anh văn Phật pháp 5: Môn học này giúp tăng Ni sinh tiếp cận trực tiếp với Kinh Vị Tằng Hữu Pháp (Discourse on the wonderful and marvellous qualities) và Kinh Thiên San Mộc (The kovilara paricchattaka tree) phiên bản tiếng Anh, các trích đoạn kinh tiếng Anh về Như Lai, Pháp và Luật (Dhamma-Vinaya) từ Nikaya. Đồng thời giúp tăng Ni sinh tiếp tục phát triển kỹ năng giao tiếp tiếng Anh chốn thiền môn với các chủ đề như hỏi đường, cách thức đi đến chùa, cách thức mời đi dùng cơm chay, cách gọi món ăn ở nhà hàng hay các món ăn chay của Việt Nam.
ENG116 Anh văn Phật pháp 6: Học Phần này giúp tăng Ni sinh tiếp cận trực tiếp với Kinh Chuyển Pháp Luân (The First Discourse Of The Buddha: Setting In Motion The Wheel Of The Truth), Kinh Vô Ngã Tướng (Discourse On The No – self Characteristic) phiên bản tiếng Anh. Qua đó, nhằm giúp Tăng Ni sinh có kiến thức về giáo lý Tứ Đế và Tam Pháp Ấn cũng như hiểu rõ các thuật ngữ tiếng Anh Phật pháp liên quan đến giáo lý trên. Song song với phần giáo lý và thuật ngữ Anh văn Phật pháp, môn học này nhằm tạo điều kiện cho Tăng Ni sinh có cơ hội sử dụng vốn kiến thức giáo lý cũng như tiếng Anh Phật pháp đã học vào các bài pháp đàm bằng tiếng Anh và đoạn thuyết trình ngắn (5-7 phút) ở trình độ tiếng Anh trung cấp về các chủ đề Tịnh Độ Tông, pháp môn niệm Phật, phát bồ đề tâm….
GEN101 Tiếng Việt thực hành giúp sinh viên nắm vững chính tả tiếng Việt, dùng từ, viết câu đơn, viết câu liên kết và dựng đoạn mạch lạc. Môn này giúp sinh viên cải thiện và nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Việt và tự rèn luyện kỹ năng viết văn. Yêu cầu của môn học là sinh viên phải làm nhiều bài tập tại nhà và kiểm tra tại lớp (trắc nghiệm, sửa lỗi, viết bài…).
GEN102 Phương pháp nghiên cứu hướng dẫn sinh viên các phương pháp viết bài khảo luận, phác thảo đề cương luận văn, khung sườn chương giả định, hoàn thành luận văn và luận án. Môn này giúp sinh viên nắm vững cách tìm tài liệu trong thư viện và trên internet; cách đọc và ghi chép tài liệu; phép chấm câu, phép viết hoa và nghiêng; cách trích dẫn trực tiếp, trích dẫn gián tiếp; cách làm chú thích, bảng viết tắt, thư mục tham khảo, phần phụ lục, bảng giải thích thuật ngữ, bảng chú dẫn mục từ. Học môn này, sinh viên sẽ biết cách cách soạn thảo, viết bản thảo, cách biên tập và đánh giá bản thảo trước khi xuất bản.
GEN106 Khái luận Phật học: Môn này khảo cứu: (i) Hai khía cạnh sử học, gồm huyền sử và chính sử, liên hệ đến cuộc đời đức Phật Thích-ca; (ii) Sự hình thành tăng đoàn Phật giáo, cống hiến của Phật giáo cho nền triết lý xã hội Ấn Độ và nhân loại; (iii) Nhân sinh quan và nhận thức luận của Phật giáo qua giáo lý: Tứ thánh đế, ngũ uẩn và vấn đề giáo dục con người toàn diện; ý nghĩa và vị trí của nguyên lý duyên khởi và vô ngã trong Phật giáo và sự vận hành của các pháp. SV khảo cứu về nghiệp và nhân quả qua lăng kính khoa học và vấn đề chuyển hóa cá nhân, gia đình và xã hội.
GEN111 Tư duy phản biện hướng dẫn sinh viên kỹ năng phân tích và đánh giá thông tin bằng phương pháp tiếp cận khác nhằm làm sáng tỏ hoặc khẳng định tính chính xác của sự kiện. Môn này giúp sinh viên sử dụng phương pháp quy nạp, diễn dịch và tổng hợp nhằm tăng cường tính logic trong lý luận tranh biện một cách khách quan và thuyết phục.
GEN122 Lịch sử văn minh thế giới giúp sinh viên hiểu rõ khái niệm lịch sử, văn hóa, văn hiến của các nền văn minh lớn gồm văn minh phương Đông, văn minh Ai Cập, văn minh Ấn Độ, văn minh Trung Quốc, văn minh Á-rập, văn minh phương Tây, văn minh Tây Âu và văn minh công nghiệp hiện đại.
GEN133 Tín ngưỡng và tôn giáo Việt Nam: Giới thiệu khái quát về tín ngưỡng và tôn giáo (TN & TG) Việt Nam, dưới hình thái ý thức xã hội, theo đó, người học hiểu rõ quá trình xuất hiện, tồn tại và phát triển của TN & TG tại Việt Nam, đặc biệt các tôn giáo bản địa, xuất hiện cuối TK 19 đầu TK 20. Học môn này sinh viên hiểu rõ tính đa dạng của các hệ TN & TG trên đất nước Việt Nam và những ảnh hưởng của TN & TG vào đời sống xã hội Việt Nam, bao gồm chính trị, văn hóa, xã hội, tâm lý, đạo đức, lối sống, phong tục tập quán của 54 dân tộc Việt Nam.
GEN140 Đại cương nhân chủng học giúp người học hiểu toàn diện về các chủng loại người bằng phương pháp nghiên cứu về văn hóa, sinh học, điều kiện phát triển, ngôn ngữ và nhiều yếu tố lịch sử khác của nhân loại. Nhân chủng học tạo cơ hội cho người học có thể khám phá nhiều khía cạnh về sinh học, nguồn gốc phát triền văn hóa của nhân loại qua các thời kì tiền sử.
GEN141 Đại cương tâm lý học giúp người học lĩnh hội được kiến thức cơ bản về bản chất, đặc điểm của hiện tượng tâm lý và các quy luật tâm lý của con người gồm nhận thức, tình cảm, ý chí, hành động và nhân cách. Sinh viên có thể vận dụng kiến thức của môn này vào thực tế để nhận diện, phân biệt, giải thích được các hiện tượng tâm lý cơ bản, góp phần định hướng cho hoạt động của người học.
GEN142 Đại cương xã hội học giúp người học phát triển sự hiểu biết một cách hệ thống về sự tương tác, tổ chức xã hội, thể chế và sự thay đổi trong xã hội. Những chủ đề chính trong tư duy xã hội học là sự hỗ tương tác dụng giữa cá nhân và xã hội, các nguyên nhân và kết quả của sự bất công xã hội và sự hình thành xã hội. Môn này giúp người học tăng cường khả năng tư duy phản biện thông qua việc nhận biết được cấu tạo xã hội và nhiều quá trình định hình nên cuộc sống nhân loại.
GEN143 Đại cương kinh tế học giới thiệu cách nhìn về thế giới của các nhà kinh tế. Sinh viên sẽ được cung cấp các phương pháp phân tích cơ bản về kinh tế vi mô và vĩ mô. Kinh tế vi mô bao gồm khách hàng, hộ gia đình, công ty, thị trường và các khó khăn hiện tại và tiềm ẩn. Kinh tế vĩ mô liên hệ đến sự lợi tức quốc gia, nạn thất nghiệp, lạm phát và tiền tệ.
GEN144 Đại cương chính trị học cung cấp cho sinh viên hiểu biết khái quát về sự kiện liên quan đến chính trị, sự vận hành của hệ thống chính trị và khám phá nhiều lý thuyết chính trị quan trọng. Nội dung của môn học liên hệ tới nhiều chủ để về chính trị học từ chuyên chế tới dân chủ, cơ quan chính phủ trong nước lẫn các mối quan hệ nước ngoài, xu hướng chính trị của Việt Nam và thế giới.
GEN145 Đại cương giáo dục học giúp sinh viên có cái nhìn bao quát về quá trình hình thành và phát triển của giáo dục qua nhiều thời kỳ cùng với nhiều khái niệm cơ bản của giáo dục học. Ngoài ra, người học cũng được hướng dẫn về lý thuyết và thực tiễn giảng dạy trên nhiều phương diện. Môn học nhằm giúp cho sinh viên bổ sung thêm những kiến thức nền quan trọng để thúc đẩy tiến trình hoàn thiện các cách tiếp cận giáo dục.
GEN146 Đại cương ngôn ngữ học là một nghiên cứu về ngôn ngữ của nhân loại với bản chất, nguồn gốc và cách thức sử dụng. Môn học này cho phép sinh viên khắc họa một bức tranh toàn diện về ngôn ngữ hiện đại và những kỹ năng cơ bản trong phân tích ngôn ngữ. Người học có cơ hội đào sâu vào nhiều khía cạnh như sự hình thành và phát triển ngôn ngữ và cách ngôn ngữ được học và thay đổi theo thời gian. Do ngôn ngữ được sử dụng nhiều trong quá trình sinh hoạt của con người nên có mối liên hệ trực tiếp với nhiều phương diện khác như nhân chủng học, tâm lý học, triết học, luật và các khoa học tự nhiên khác.
GEN147 Quản trị hành chánh và tự viện học cung cấp cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng căn bản về quản trị hoạt động hành chính Phật giáo và quản lý tự viện Phật giáo. Môn này giúp sinh viên nắm vững cách quản trị nội viện và công tác đối ngoại; tiến trình xử lý công văn, thu thập xử lý thông tin, tổ chức các cuộc hội họp, tiến hành các Phật sự một cách khoa học và hiệu quả.
GEN148 Đại cương vật lý học được xem là một trong những môn khoa học có mặt từ rất sớm, học phần giới thiệu các khái niệm cơ bản, nguồn gôc khởi đầu và lịch sử của vật lý học. Sinh viên có cơ hội nghiên cứu và khám phá vật chất và sự chuyển động. Năng lượng, sức nóng, lực, ánh sáng, âm thanh và nhiều khái niệm khác sẽ được phổ biến trong các chủ đề của môn học.
GEN150 Tổng quan về y học cổ truyền cung cấp cho sinh viên kiến thức về thuốc y học cổ truyền; thuyết âm dương, ngũ hành; nguyên nhân gây bệnh, các phương pháp chẩn đoán và chửa bệnh; hệ kinh lạc và kỹ thuật châm cứu; các phương pháp điều trị không dùng thuốc gồm xoa bóp, bấm huyệt và tập luyện dưỡng sinh.
GEN153 Dẫn nhập tôn giáo học Tôn giáo học đại cương là một ngành khoa học xã hội và nhân văn; nghiên cứu về tôn giáo và tín ngưỡng của con người. Môn học mô tả những hiện tượng biểu hiện bên trong và bên ngoài của đời sống tôn giáo, đồng thời đi sâu phân tích mổ xẻ cấu hình về tổ chức, giáo lý nghi lễ, giá trị của các tôn giáo qua các chiều kích cơ bản ( Lịch sử tôn giáo; triết học tôn giáo; xã hội học tôn giáo; tâm lý học tôn giáo ) bằng các lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, tôn giáo học phân tích thông diễn, lí giải tâm linh tôn giáo, qua đó làm nổi bật vai trò mối quan hệ gắn bó giữa tôn giáo và đời sống xã hội hiện thực của con người.
GEN154 Tôn giáo và văn hóa khám phá tôn giáo và kinh nghiệm tôn giáo trong tương quan ý thức hệ, lịch sử và văn hóa nhằm đề cao ý thức về cách tôn giáo định hình văn hóa, xã hội và kinh nghiệm. Trong chiều kích xuyên văn hóa và liên ngành, sinh viên tìm hiểu vè các tôn giáo châu Á và các tôn giáo phương Tây môn học làm rõ các khái niệm văn hóa tôn giáo, mục đích, ý nghĩa, truyền thống và giá trị văn hóa của tôn giáo, mối quan hệ tác động hai chiều giữa tôn giáo và văn hóa – văn hóa và tôn giáo. Bằng nguyên tắc tiếp cận giá trị học và văn hoá học so sánh, môn học mô tả mối quan hệ giữa văn hoá tôn giáo và đời sống văn hoá tinh thần của cộng đồng tín đồ (trường hợp các cộng đồng tín đồ Phật giáo, Hindu giáo, Kitô giáo, Hồi giáo).
GEN160 Thực hành văn bản tiếng Việt cung cấp cho sinh viên kiến thức căn bản về văn bản tiếng Việt, thực hành phân tích văn bản, tạo lập văn bản, soạn thảo văn bản khoa học và soạn thảo văn bản hành chính. Môn này rèn luyện kĩ năng sử dụng tiếng Việt đúng chuẩn ngôn ngữ và chuẩn phong cách và kĩ năng soạn thảo văn bản trên computer.
HIST108 Lịch sử Phật giáo Ấn Độ giới thiệu bối cảnh xã hội, chính trị, tôn giáo Ấn Độ cổ đại, nguồn gốc của đạo Phật, cuộc đời và hành trạng của đức Phật, các đại hội biên tập kinh điển, Tam tạng Phật giáo, sự phân chia bộ phái Phật giáo. Học môn này, sinh viên nắm vững giáo nghĩa của Đại chúng bộ, Hữu bộ, Phật giáo Đại thừa, nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo, sự suy tàn Phật giáo và sự phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ.
HIST171 Nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo giúp sinh viên hiểu được kiến trúc, điêu khắc, hội họa qua các bức phù điêu, hình tượng Phật, Bồ-tát, chùa, Tháp, hang động. Sinh viên cần phân tích, so sánh, nhận dạng những đặc điểm của các trường phái nghệ thuật kiến trúc Phật giáo tại Ấn Độ và ngoài Ấn Độ.
LAW104 Đại cương luật học Phật giáo giới thiệu sự hình thành luật tạng, nguyên nhân chế giới, vai trò của giới luật trong tiến trình thánh thiện hóa con người. Môn này giúp sinh hiểu rõ các loại hình giới gồm năm giới, tám giới, giới Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni và giới Bồ-tát. Theo đó, người họ có thể làm chủ các giác quan, chánh niệm trong các oai nghi, sống thanh tịnh và hạnh phúc.
LAW134 Đại cương pháp luật Việt Nam cung cấp cho sinh viên kiến thức căn bản về Hiến pháp; những quy định về tôn giáo và những vấn đề có liên hệ đến Phật giáo trong Luật tín ngưỡng tôn giáo, Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật hôn nhân gia đình, Luật tố tụng hình sự và Luật an ninh mạng.
PALI301 Tư tưởng kinh Trường bộ giới thiệu nguyên nhân ra đời và bản chất dị biệt của các hệ tư tưởng triết học và tôn giáo, qua các đối thoại liên tôn giáo và liên triết học giữa đức Phật và các tư tưởng gia tại Ấn Độ vào thế kỷ 6 TTL. Tác phẩm phác họa vũ trụ quan, nhân sinh quan, xã hội quan, đạo đức quan và giải thoát quan Phật giáo, nhằm giúp tịnh hóa xã hội, làm lớn mạnh tính nhân bản và đạo đức của tự thân, hướng đến việc chứng đắc các quả thánh theo Phật giáo Nguyên thủy.
PALI304 Văn học Pāli cung cấp cho sinh viêncác kiến thức vềnguồn gốc tiếng Pāli, cơ sở hình thành văn học Pāli, tầm quan trọng của Pāli, lịch sử Tam tạng Pāli, văn học chú giải Pāli và đại cương từng tác phẩm trong văn học Pāli, cũng như các công trình nghiên cứu văn học Pāli tại các nước Phật giáo Nam truyền và tại Việt Nam. Môn này giúp sinh viên xây dựng kỹ năng phân tích tác phẩm dựa vào bối cảnh xã hội, tôn giáo thời Phật để có thể hiểu và cảm thụ được nội dung, ý nghĩa bao hàm trong từng tác phẩm.
PHIL101 Dẫn nhập triết học Ấn-độ khảo cứu về bản chất và sự phát triển của tư tưởng triết học Ấn-độ từ cổ đại đến cận hiện đại bao gồm các phương diện nhận thức luận, đạo đức học và siêu hình học. Môn học này giới thiệu các trường phái triết học chính thống và phi chính thống của Ấn Độ gồm truyền thống luận lý học của Nyaya, truyền thống đa nguyên của Vaisesika, truyền thống nhị nguyên của Sankhya, truyền thống yoga của Patanjali, truyền thống duy vật của các Carvakas, truyền thống tâm Kỳ-na giáo, truyền thống giác ngộ của đạo Phật, truyền thống Vedanta và các khuynh hướng triết học Ấn Độ hiện đại.
PHIL103 Kinh Trường A-hàm gồm 30 bài kinh, giới thiệu cuộc đời và hành trạng của đức Phật và các giáo pháp quan trọng của đức Phật gồm nguồn gốc vũ trụ, nhân sinh quan, xã hội quan, đạo đức quan và giải thoát quan. Học kinh này, sinh viên làm quen với kinh nghiệm đối thoại triết học và đối thoại tôn giáo giữa đức Phật và các đạo sư tôn giáo.
PHIL104 Dẫn nhập triết học phương Tây: Môn học này khắc họa bức tranh tổng quan về nguồn gốc ra đời, quá trình hình thành, phát triển của các trào lưu triết học phương Tây từ giữa thế kỷ XIX đến nay, gồm các giai đọan từ thời Hy Lạp cổ đại (từ thế kỷ thứ VI BC) rồi trải qua các thời kỳ của “đêm trường Trung cổ”, giai đọan Phục Hưng, thời cận đại, và sau đó là giai đoạn hòan thiện của triết học truyền thống phương Tây (triết học cổ điển Đức). Sinh viên sẽ học các trào lưu chính, các triết gia chính, các tác phẩm triết học chính trong tiến trình phát triển lịch sử triết học thế giới. Môn học này phân tích những đóng góp và hạn chế của các trào lưu triết học phương Tây, theo đó, sinh viên nắm được quy trình phân tích, phê phán, đánh giá các trào lưu triết học phương Tây nói riêng và triết học nói chung.
PHIL108 Dẫn nhập triết học Phật giáo giới thiệu khái quát về các phương diện triết học của đức Phật trong tương quan với bối cảnh xã hội và tôn giáo Ấn Độ. Môn học này cung cấp cho sinh viên các kiến thức nền tảng về bản chất của Ấn Độ giáo, nguyên nhân ra đời của triết học Phật giáo và những đóng góp của triết học Phật giáo trong lịch sử tư tưởng Ấn Độ. Học môn này, sinh viên hiểu rõ nền tảng của thế giới quan Phật giáo, nhân sinh quan Phật giáo, triết học xã hội – chính trị Phật giáo, đạo đức học Phật giáo và giải thoát quan Phật giáo.
PHIL110 Dẫn nhập triết học Trung Quốc giới thiệu khát quát lịch sử tư tưởng và tôn giáo Trung Quốc gồm thế giới quan, nhân sinh quan, chính trị quan, đạo đức quan của Nho gia, Mặc gia, Bách gia chư tử, Đạo gia, các pháp gia khác, thời đại Kinh học, Kinh học kim văn và Kinh học cổ văn.
PHIL111 Đại cương thiền học giới thiệu phương pháp thiền của đức Phật gồm thiền chỉ (samatha-bhāvanā) và thiền quán (vipassanā-bhāvanā) cả lý thuyết lẫn thực hành thiền theo Phật giáo Nguyên thuỷ. Về lý thuyết, nghiên cứu các bài Kinh tứ niệm xứ, Kinh đại niệm xứ, Kinh quán niệm hơi thở, Kinh nhất dạ hiền giả và Luận thanh tịnh đạo. Về thực hành, mỗi buổi học, sinh viên sẽ hành thiền 15 phút thiền chánh niệm. Môn này giúp sinh viên trải nghiệm các giá trị sức khỏe thể chất, cảm xúc và tinh thần qua sự thực tập thiền trong sinh hoạt hàng ngày.
PHIL112 Khái luận Phật học: Môn này khảo cứu: (i) Hai khía cạnh sử học, gồm huyền sử và chính sử, liên hệ đến cuộc đời đức Phật Thích-ca; (ii) Sự hình thành tăng đoàn Phật giáo, cống hiến của Phật giáo cho nền triết lý xã hội Ấn Độ và nhân loại; (iii) Nhân sinh quan và nhận thức luận của Phật giáo qua giáo lý: Tứ thánh đế, ngũ uẩn và vấn đề giáo dục con người toàn diện; ý nghĩa và vị trí của nguyên lý duyên khởi và vô ngã trong Phật giáo và sự vận hành của các pháp. SV khảo cứu về nghiệp và nhân quả qua lăng kính khoa học và vấn đề chuyển hóa cá nhân, gia đình và xã hội.
PHIL131 Triết học Mác - Lênin: Môn này giúp sinh viên nắm vững những quan điểm khoa học của triết học Mác – Lênin về tự nhiên, xã hội, tư duy và vai trò của con người trong thế giới hiện thực; trên cơ sở đó xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học; vận dụng sáng tạo nó trong hoạt động nhận thức và thực tiễn.
PHIL401 Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa: Môn này khảo cứu: (i) Bối cảnh văn hóa, chính trị xã hội, tôn giáo thời tiền Phật giáo và nguyên nhân đưa đến sự ra đời đạo Phật; (ii) Triết lý trọng tâm của Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Bộ phái và Phật giáo Đại thừa; (iii) Giới thiệu ba hệ thống văn điển của Phật giáo, (iv) Các tổ sư tiêu biểu như Nagarjuna, Maitreyanatha, Asanga, Vasubhandu…
PHIL412 Tư tưởng Kinh Pháp Hoa: Làm nền tảng cho sự hình thành Tông Thiên Thai (Trung Quốc), Tông Liên Hoa (Nhật Bản) và Tông Pháp Hoa ở Việt Nam, Kinh Pháp. Với ẩn dụ búp sen và hoa sen, Kinh này khẳng định tất cả chúng sinh đều có tiềm năng giác ngộ và trở thành Phật trong tương lai. Sự thực tập bốn bước “khai, thị, ngộ, nhập” tri kiến Phật là tiến trình tâm linh quay về Phật thừa mà hành giả cần trải qua để đạt được sự giác ngộ tuyệt đối.
SANS162 Văn học Sanskrit Phật giáo giới thiệu những thông tin liên quan các văn bản Sanskrit Phật giáo tiêu biểu gồm kinh luật luận của Phật giáo Bắc truyền tại Ấn Độ, từ thế kỷ I-XIII STL. Qua mỗi tác phẩm, sinh viên tìm hiểu về tình trạng văn bản, nội dung tư tưởng, tư tưởng sử của văn bản, cũng như tầm ảnh hưởng của nội dung văn bản ấy trong tư tưởng, văn hoá và tín ngưỡng của Phật giáo. Nội dung xoay quanh các phương diện: a) Về tình trạng văn bản, b) Những thành quả đã được học giới làm sáng tỏ hiện nay, c) Nội dung tư tưởng, tư tưởng sử của văn bản, d) Tầm ảnh hưởng của nội dung tư tưởng văn bản ấy trong tư tưởng, văn hoá và tín ngưỡng của cộng đồng Phật giáo. Mục đích giúp sinh viên có kiến thức cơ bản về sự hình thành và phát triển của Phật điển Bắc truyền; Chuẩn bị kiến thức cơ sở để học tập và nghiên cứu văn bản Phật giáo Bắc truyền Ấn Độ ở bậc cử nhân và sau đó.
VNB107 Lịch sử Việt Nam giúp sinh viên hiểu lịch sử Việt Nam từ thời tiền sử đến cuối thời Bắc thuộc, Việt Nam từ đầu thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX, Việt Nam từ 1858-1945, Việt Nam từ 1945 đến nay. Qua từng thời kỳ lịch sử nước nhà, sinh viên tìm hiểu bối cảnh chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, từ đó, rút ra được những bài học kinh nghiệm để giữ gìn và phát triển đất nước.
VNB109 Lịch sử Phật giáo Việt Nam giới thiệu tổng quan về lịch sử Phật giáo Việt Nam từ thời kỳ du nhập (đầu công nguyên) đến thời kỳ chấn hưng (1945). Học môn này, sinh viên hiểu được những đặc điểm của Phật giáo Việt Nam qua các thời đại; các trung tâm Phật giáo; các thiền phái tiêu biểu cũng như những đóng góp tích của Phật giáo trong sự nghiệp giữ nước, phát triển đất nước và xây dựng ngôi nhà Phật giáo … giúp sinh viên tổng kết một cách có hệ thống lịch sử Phật giáo Việt Nam.
VNB121 Lịch sử văn học Việt Nam giới thiệu diện mạo văn học nước nhà từ khởi nguyên đến thế kỷ XX đến 1945, trào lưu văn học lãng mạn 1932-1945, trào lưu văn học hiện thực phê phán, văn học yêu nước từ đầu thế kỉ XX đến 1945 và văn học Việt Nam từ 1945-1975 gồm thơ ca, văn xuôi – truyện và kí. Môn này giúp sinh viên tiếp cận một số tác phẩm tiêu biểu, những tác giả lớn trong từng giai đoạn. Qua đó, giúp sinh viên tự xác định phương pháp luận nhằm tạo nền tảng cho việc nghiên cứu những tác phẩm văn học liên quan đến chuyên ngành đã chọn.
VNB135 Cơ sở văn hóa Việt Nam giới thiệu các khái niệm cơ bản về văn hóa, các thiết chế, chức năng, cấu trúc văn hóa, diễn trình của lịch sử văn hóa Việt Nam, không gian văn hóa Việt Nam. Môn này giúp sinh viên nhận diện các phân vùng và đặc điểm Văn hóa Việt Nam trên các lĩnh vực nhằm giáo dục ý thức giữ gìn phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam.
VNB302 Văn học Phật giáo Việt Nam giới thiệu khái niệm văn học và văn học Phật giáo; diễn trình văn học Phật giáo Việt Nam từ đầu Công nguyên đến nay; giá trị nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của những tác gia, tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam tiêu biểu trong suốt 2000 năm lịch sử của Phật giáo Việt Nam.