Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM (viết tắt là Học viện) có nguồn gốc từ Đại học Vạn Hạnh (1964- 1975) do Trưởng lão HT. Thích Minh Châu sáng lập. Tiền thân của Học viện là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam (1983-1997) do UBND TP.HCM cấp giấy phép hoạt động số 160/QĐ-UB ngày 17/10/1983.
Từ năm 2006, Học viện đào tạo chương trình cử nhân gồm các khoa Triết học Phật giáo, Pali, Phật học Sanskrit, Lịch sử Phật giáo, Phật giáo Việt Nam và Trung văn (tên gọi cũ là Phật giáo Trung Nhật Hàn). Hiện nay, Học viện còn có các khoa Hoằng pháp, Luật học Phật giáo, Anh văn Phật pháp, Công tác xã hội, Giáo dục mầm non, Y học cổ truyền. Từ năm 2009, Học viện mở chương trình Cử nhân Phật học, hệ đào tạo từ xa. Từ năm 2012, Học viện đào tạo chương trình Cao học Phật học và năm 2019 chính thức đào tạo Tiến sĩ Phật học.
Năm 2016 đánh dấu sự có mặt của cơ sở 2 (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh), nơi tu học nội trú lý tưởng cho hàng ngàn Tăng, Ni sinh viên. Nhờ tu học nội trú, các Tăng, Ni sinh viên không chỉ nắm vững Phật học mà còn có cơ hội trải nghiệm đời sống tâm linh để hoàn thiện trí tuệ, đạo đức và thiền định qua các thực tập gồm tụng kinh, lễ bái, ngồi thiền, thiền hành, chánh niệm trong ăn cơm và lao động.
Học viện có hơn 150 giảng viên có học vị thạc sĩ và tiến sĩ, được đào tạo từ nhiều nước khác nhau về nhiều chuyên ngành khác nhau. Một số giảng viên của Học viện được thỉnh giảng ở các trường đại học nước ngoài. Hằng năm, Học viện mời các giáo sư, nhà nghiên cứu đầu ngành trong nước và nước ngoài đến giảng dạy hoặc thuyết trình tại Học viện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Học viện là trường Phật giáo đầu tiên và là một trong số ít trường đại học tại Việt Nam áp dụng hệ thống tín chỉ từ năm 2006. Tất cả chương trình và môn học luôn được cập nhật nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi trong thế giới quanh ta, nhờ đó, sinh viên có khả năng thích ứng với kiến thức, phương pháp và công nghệ mới.
Tại Học viện, mỗi môn học đều có hai loại tài liệu căn bản: a) Giáo trình học tập và b) Tài liệu tham khảo. Giáo trình là tài liệu chính mà các sinh viên phải nghiên cứu. Tài liệu tham khảo là các tài liệu nghiên cứu nhằm phục vụ công tác nghiên cứu của giảng viên, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh.
Để giảng dạy có hiệu quả, các giáo sư và giảng viên của Học viện được yêu cầu chuẩn bị buổi dạy thật tốt, hướng dẫn sinh viên các phương pháp nghiên cứu, tài liệu và tự học.
Học viện cung ứng và yêu cầu giảng viên sử dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, giúp học viên nắm vững nội dung bài giảng một cách có hiệu quả. Học viện khích lệ giảng viên và sinh viên phát huy tốt kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng trả lời trong lớp học và kỹ năng giao tiếp ứng xử tốt trong và ngoài học đường.
Thay mặt Hội đồng Điều hành và với tư cách Viện trưởng, tôi chúc các sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đạt được kết quả mỹ mãn trong chương trình học tập, nghiên cứu và trở thành những người đóng góp to lớn cho sự phát triển Phật giáo, đất nước và con người Việt Nam.
Viện trưởng