Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM có nguồn gốc từ Đại học Vạn Hạnh (từ 1964 đến 1975) và tiền thân là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam (từ 1983 đến 1997), là cơ sở giáo dục đại học Phật giáo đào tạo cấp cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ Phật học. Trong suốt 34 năm qua (1984-2018), Học viện đã và đang đào tạo chương trình Cử nhân Phật học được 13 khóa (hệ chính quy) và 5 khóa (hệ đào tạo từ xa) với tổng số 7.282 Tăng Ni sinh và cư sĩ Phật tử; trong đó đã có 4.538 Tăng Ni sinh, học viên đã tốt nghiệp Cử nhân Phật học, 336 Tăng Ni sinh khóa XI nhận bằng tốt nghiệp trong ngày 27/10/2018, và 1.554 sinh viên đang theo học. Về Thạc sĩ, có 22 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp và 140 đang theo học.
Trong thời gian vừa qua, cơ sở I của Học viện (số 750 Nguyễn Kiệm, P. 4, quận Phú Nhuận, TP.HCM) không đủ không gian và cơ sở vật chất để đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu của các sinh viên. Vì thế, để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong công tác giáo dục và đào tạo, Học viện đã được các cấp lãnh đạo chính quyền và Giáo hội cấp đất và cho phép xây dựng cơ sở II của Học viện tại khu đất mới gồm 23.8 hecta thuộc xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM, một cơ sở đào tạo giáo dục Đại học Phật giáo có quy mô và tầm cỡ quốc tế. Sau ba năm xây dựng, một số công trình căn bản giai đoạn I phục vụ cho mục đích học tập và nội trú của các Tăng Ni sinh đã hoàn tất, bao gồm: 01 tòa học đường, 03 tòa ký túc xá Tăng và Ni (mỗi tòa gồm 04 tầng, mỗi tầng gồm 500m2) và một tòa nhà hành chánh văn phòng (03 tầng, mỗi tầng gồm 250m2), và một nhà tiền chế làm chánh điện tạm và giảng đường. Tổng chi phí xây dựng trên 200 tỷ đồng, do sự phát tâm đóng góp tịnh tài của chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước.
Giáo dục Phật giáo không chỉ hướng đến phương diện tri thức, mà còn chú trọng đến việc ứng dụng lời Phật dạy vào trong đời sống xã hội. Để thực hiện mục đích quan trọng này, từ năm 2015 đến nay, Học viện đã và đang chăm lo toàn bộ mọi chi phí ăn ở và học tập cho tất cả 800 Tăng Ni nội trú (chiếm 85% sinh viên cử nhân chính thức). Ngoài việc học tập nghiên cứu và đời sống nội trú, các Tăng Ni sinh viên còn được giảng dạy, hướng dẫn các pháp môn tu tập, ứng dụng lục hòa trong nếp sống của Tăng đoàn, phương cách đối nhân xử thế, v.v...; nhằm đào tạo những tu sĩ có học thức và đạo hạnh, phục vụ cho công việc hoằng truyền Phật pháp trong tương lai. Vì vậy, Học viện cần có một ngôi chánh điện xứng tầm để cho các Tăng Ni sinh thực tập thiền tọa, lễ Phật, tụng kinh, v.v...; đồng thời có thêm không gian để tổ chức các lễ hội, các sự kiện trọng đại của Phật giáo, các hội thảo và tọa đàm khoa học, cũng như quan hệ ngoại giao quốc tế…
Vì lẽ đó, Hội đồng Điều hành Học viện quyết định xin phép Chính quyền và Trung ương Giáo hội tiến hành động thổ đặt đá xây dựng một ngôi Chánh điện bao gồm: chánh điện thờ Phật (tầng lầu, sức chứa khoảng 1.500 người), giảng đường và các phòng hội thảo (tầng trệt, sức chứa khoảng 2.500 người). Ngôi chánh điện này được xem là không gian trọng yếu của Học viện, phục vụ cho hai mục đính là: tâm linh và học thuật. Tổng kinh phí dự trù xây dựng ngôi Chánh điện là khoảng 200 tỷ đồng (Hai trăm tỷ đồng).