Hội thảo khoa học “Phong trào Phật giáo năm 1963 và 60 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân”

Sáng ngày 11-6, tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM đã long trọng khai mạc hội thảo khoa học với chủ đề: “Phong trào Phật giáo 1963 và 60 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (11/6/1963 – 11/6/2023)”.

Hội thảo do Ban thường trực HĐTS kết hợp cùng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức để tưởng nhớ công đức và sự hy sinh cao cả của Bồ-tát Thích Quảng Đức và ôn lại một sự kiện trọng đại của Phật giáo Việt Nam.

Đức Pháp chủ GHPGVN Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp Chủ HĐCM Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Chủ tịch HĐTS GHPGVN Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã quang lâm tham dự và có lời phát biểu quan trọng.

Hội thảo cũng chào đón chư Tôn đức HĐTS, Văn phòng 2 Trung ương, Ban Trị sự PG TP.HCM; đại diện Ban Tôn giáo Chính Phủ, Chính quyền các cấp TP.HCM;  các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu và nhiều học giả của gần 40 trường Đại học đến tham dự và thuyết trình tham luận để đóng góp cho thành công hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Tâm Đức, Ủy viên TT HĐTS, Phó Viện trưởng TT VNCPH VN, Trưởng Ban Tổ chức, nhấn mạnh “Phong trào Phật giáo tại miền Nam Việt Nam vào năm 1963 và Bồ-tát Thích Quảng Đức vị Pháp thiêu thân vào ngày 11/06/1963 có thể được gọi tên là Pháp nạn 1963. Nhân kỷ niệm 60 năm của Pháp nạn to lớn và đầy ý nghĩa này, những bài tham luận của hội thảo ngày hôm nay góp phần cung cấp nhiều thông tin mới giúp ta tái dựng bối cảnh pháp nạn, diễn tiến, sự kết thúc và ý nghĩa của phong trào bất bạo động Phật giáo năm 1963.”

Đức Pháp chủ GHPGVN huấn từ tại hội thảo, Ngài đã nhắc về những nhân duyên của lịch sử dân tộc đã kết thành để dẫn đến Phong trào Phật giáo năm 1963, một phong trào đấu tranh bất bạo động của Tăng Ni, Phật tử nhằm cứu nguy cho sự suy vong của Đạo pháp và Dân tộc. Khi phong trào lên đến đỉnh đến, có dấu hiệu bế tắt thì sự xuất hiện của Bồ-tát Thích Quảng Đức với tâm nguyện tự thiêu để thắp lên Ngọn lửa Từ bi cùng với trái tim bất diệt đã soi sáng và thức tỉnh lương tri của con người, hóa giải tất cả hận thù.

Công đức của Bồ-tát Thích Quảng Đức và chư vị tiền nhân đã góp phần thống nhất đất nước, làm tiền đề thành lập các tổ chức Phật giáo và sự ra đời của GHPGVN năm 1981. Với ý nghĩa đó, Đức Pháp Chủ nhắc nhở “Tăng Ni, Phật tử phải biết trân trọng việc làm của tiền nhân, thành quả của Giáo hội hơn 40 năm qua và tiếp tục phát huy những thành quả đó, góp phần xây dựng Phật giáo và đất nước phát triển trong thời đại mới”.

Trong Diễn văn chúc mừng hội thảo, Hòa thượng Chủ tịch nhận định, đỉnh cao của phong trào năm 1963 là sự kiện tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức (11/6/1963) là đốm lửa thiêng mầu nhiệm thiêu rụi chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, đưa đến cuộc cách mang ngày 01/11/1963 do quân đội khởi xướng thành công. Phật giáo miền Nam thoát cơn pháp nạn, sự tự do tín ngưỡng, bình đẳng các tôn giáo được phục hồi và tồn tại phát triển cho đến ngày hôm nay.

Hòa thượng nhấn mạnh, “Sau khi nước nhà độc lập thống nhất đất nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981, kế thừa những thành quả và bài học lịch sử bi hùng của dân tộc và Phật giáo Việt Nam, Giáo hội được ổn định và không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực, thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động: Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội hơn 40 năm qua.”

Trong phiên khai mạc, ông Vũ Hoài Bắc – Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đã có bài phát biểu chúc mừng hội thảo, Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS trình bày tham luận “Đánh giá phong trào Phật giáo năm 1963 và sự tự thiêu của Bồ-tát Quảng Đức”, PGS.TS. Đỗ Lan Hiền  – Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng trình bày tham luận “Phật giáo và chính trị: Nhìn từ “sự kiện Bồ-tát Quảng Đức” năm 1963”.

Được biết, Ban tổ chức nhận được hơn 100 bài tham luận của chư Tôn đức Tăng Ni và các Nhà nghiên cứu với những ý kiến đánh giá trung thực và chính xác mang tính khoa học và lịch sử.

Sau phiên khai mạc, các học giả tham dự hội thảo sẽ tiếp tục thuyết trình tập trung vào 5 chủ đề gồm: Đánh giá phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX đến phong trào Phật giáo năm 1963 ở miền Nam, Việt Nam. Bối cảnh, vai trò, ý nghĩa và bài học lịch sử của phong trào Phật giáo 1963. Nghiên cứu cuộc đời, đạo nghiệp và những cống hiến của Bồ-tát Thích Quảng Đức đối với Phật giáo Việt Nam. Đánh giá ảnh hưởng của Bồ-tát Thích Quảng Đức trong phong trào chuyển đổi xã hội ở miền Nam, Việt Nam. Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng đất nước trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.