Đoàn trợ lý Nghị sĩ Mỹ thăm HVPG VN tại TP.HCM

Sáng ngày 29/03/2013, vào lúc 10 giờ 30 tại VP Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Hội đồng điều hành HV đã tiếp phái đoàn Nghị sĩ Mỹ thăm HVPG VN tại TP.HCM.

Tiếp đoàn có HT. Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Viện trưởng HVPG VN tại TP.HCM, HT. Thích Đạt Đạo - Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó Viện trưởng tổ chức Hành chánh HV, TT. Thích Tâm Đức – Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó Viện trưởng tổ chức Nội vụ, TT. Thích Bửu Chánh - Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó Viện trưởng tài chánh HV, TT. Thích Nhật Từ - Ủy viên HĐTS, Phó Viện trưởng HV, cùng chư tôn thiền đức trong Hội đồng điều hành học viện.

Được sự đồng ý của lãnh đạo Quốc hội, Uỷ ban Đối ngoại, đoàn trợ lý Nghị sĩ Mỹ (10 người) thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 28/3 đến 07/04/2013. Chuyến thăm của đoàn trợ lý Nghị sĩ Mỹ, theo chương trình trao đổi Văn hóa giáo dục Việt – Mỹ (Mecea) nhằm tăng cường sự hiểu biết cho đoàn về tình hình Việt Nam. Uỷ Ban đối ngoại của Quốc hội Nước Cộng hòa XHCNVN giới thiệu đoàn Nghị sĩ Mỹ thăm HVPG VN tại TP.HCM để đoàn nắm bắt thông tin về phương pháp giáo dục của Phật giáo của Học viện và mong muốn Học viện cung cấp một số thông tin mà đoàn quan tâm, qua đó nhằm giúp đoàn có cái nhìn thiện cảm và xác thực hơn về tình hình tại Việt Nam.

Thay mặt Hội đồng điều hành HT. Thích Đạt Đạo đã giới thiệu về lich sử hình thành Học Viện và HT. Thích Giác Toàn giới thiệu về hệ thống giáo dục tại Học viện, những thành tựu trong quá trình đào tạo Tăng Ni sinh viên và những dự án giáo dục sắp tới nhằm xây dựng hoàn thiện nền giáo dục Phật giáo. TT. Thích Nhật Từ trình bày mong muốn được hợp tác giáo dục với những trường đại học ở Mỹ để Tăng Ni sinh viên có cơ hội mở rộng tầm hiểu biết, nâng cao tri thức, tiếp nhận một nền giáo dục phát triển tại Hoa Kỳ. Phái đoàn trợ lí nghị sĩ cũng bày tỏ sự quan tâm đến cuộc sống sinh hoạt và chế độ tuyển sinh của HVPGVN. Hội đồng điều hành HVPGVN tại TP.HCM cũng đã làm sáng tỏ những nghi vấn của đoàn trợ lí nghị sĩ, giúp đoàn có cái nhìn thiện cảm với nền giáo dục Phật Giáo nói riêng và nền giáo dục Việt Nam nói chung đồng thời cũng giúp cho phái đoàn hiểu rõ hơn về tình hình Việt Nam.

Nguồn: daophatngaynay.com