Lửa thiêng vô ngã trong Phật giáo

Sáng ngày thứ ba (06/06/2023 – 19/04 Quý Mão) trong khóa huân tu 10 ngày, tại Học viện Phật giáo Việt Nam Tp. HCM (cơ sở 2), HT. TS. Thích Tâm Đức – Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự GHPGVN, Phó Viện trưởng thường trực Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Viện trưởng kiêm Trưởng khoa Anh văn Phật Pháp, đã ban bố cho toàn thể chúng hội 1.015 Tăng Ni sinh nội trú, cùng quý Phật tử hữu duyên, thành tín đến dự thính.

Trong thời pháp, Hòa thượng Trưởng khoa Anh văn Phật Pháp đã xâu chuỗi các giáo lý và sự kiện lịch sử Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân 11/06/1963 qua chủ đề “LỬA THIÊNG VÔ NGÃ TRONG PHẬT GIÁO”.

Khi đề cập đến ngọn lửa bất diện của Ðức Bồ-tát Thích Quảng Đức, Hòa thượng phân tích hai phương diện tiêu cực và tích cực của lửa, đó là ngọn lửa của tham - sân - si đối với mặt tiêu cực, và ngọn lửa vô tham - vô sân - vô si được đặt trên nền móng trí tuệ và từ bi đối với mặt tích cực. Từ đó, Tăng Ni sinh nhận diện rằng chính trí tuệ là chìa khóa phá vỡ cái tôi - nguyên nhân của khổ đau.

Dựa trên kinh tạng Pāḷi, trong Tiểu kinh Sư tử hống (Cula-sihanada sutta), thuộc Trung Bộ kinh số 11, Hòa thượng nhắc lại pháp số 4 loại chấp: (i). Chấp vào các loại tham muốn; (ii). Chấp vào quan điểm, khen mình chê người (iii). Chấp vào giới luật; (iv). Chấp vào cái tôi. Ngài nhấn mạnh, chính điều chấp thứ tư (ngã luận thủ) là cái chấp khó chuyển hóa nhất, đưa đến khổ và gia tăng khổ.

Cũng trong Kinh Tất cả các lậu hoặc (Sabbāsava sutta), thuộc Trung Bộ kinh số 2, Đức Thế Tôn đề cập đến sự tác ý không đúng với sự thật (phi như lý tác ý), tức là các suy nghĩ chấp vào cái tôi trong ba thời điểm quá khứ, hiện tại và vị lai. Và chính những suy nghĩ về bản ngã là nguyên nhân gây ra khổ đau.

Trong những năm tháng viết Luận án Tiến sĩ về đề tài “PHILOSOPHY OF THE SADDHARMAPUNDARIKA-SUTRA” (Triết học của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa), Hòa thượng với kiến thức uyên thâm về nội dung kinh Diệu Pháp Liên Hoa đã lược giảng về mẩu chuyện Đức Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến trong Phẩm Dược Vương Bồ-tát bổn sự thứ 23. Ðức Bồ-tát đã đốt tay, đốt thân cúng dường Ðức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Ðức để thành tựu sở nguyện kim thân, sinh về cõi Tịnh lạc của Ðức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Ðức. Hạnh nguyện này bằng hàm ý Kinh, chính là sự giải thoát khỏi chấp thủ (đốt tay), chấp ngã (thiêu thân). Chính sự vô chấp ngã, chấp pháp, và là chìa khóa chuyển hóa tâm bệnh, khế hợp với danh hiệu của Ðức Bồ-tát Dược Vương, tức vua trong các loại thuốc, có thể chuyển hóa tâm bệnh của con người và các loại chúng sinh.

Đối chiếu giữa kinh tạng Pāḷi với kinh điển Đại thừa, Hòa thượng đúc kết rằng hạnh nguyện vị pháp thiêu thân của Bồ-tát Thích Quảng Đức chính là sự giải thoát, đạt đến vô ngã, không còn chấp thủ, và chính ngọn lửa này là ngọn lửa bảo vệ Phật giáo, đưa đến sự hòa hợp tôn giáo, an vui tu học.

Thời pháp thoại đã khép lại với niềm hoan hỷ của chúng hội, như một trận mưa rưới đến, cây cỏ đều thấm mướt mà đều được sum suê.

Tin: Ngộ Trí Viên; ảnh: Minh Đức

Lửa thiêng vô ngã trong Phật giáoLửa thiêng vô ngã trong Phật giáoLửa thiêng vô ngã trong Phật giáoLửa thiêng vô ngã trong Phật giáoLửa thiêng vô ngã trong Phật giáoLửa thiêng vô ngã trong Phật giáoLửa thiêng vô ngã trong Phật giáoLửa thiêng vô ngã trong Phật giáoLửa thiêng vô ngã trong Phật giáoLửa thiêng vô ngã trong Phật giáoLửa thiêng vô ngã trong Phật giáo